Hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3: Những chính sách nhân văn từ ngành Ngân hàng

26/09/2024 - 17:15
(Bankviet.com) Để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ do cơn bão lịch sử - bão số 3 (Yagi) gây ra ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai và thực hiện nhiều giải pháp kịp thời. Nhìn ở góc độ quản lý và cơ chế thị trường, đây là những chủ trương chính sách và hành động có ý nghĩa nhân văn.
bia.jpg
Ảnh minh họa

Ngay sau khi bão đi qua, các giải pháp quyết liệt đã được ngành Ngân hàng triển khai có thể kể đến như: nắm bắt và cập nhật tình hình khách hàng; thống kê dư nợ và khách hàng bị thiệt hại, phân tích đánh giá để có biện pháp xử lý, hỗ trợ phù hợp… Trong quá trình này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trong đó có giải pháp chính sách, sử dụng nguồn lực chính sách để hỗ trợ.

Nhìn ở góc độ quản lý và cơ chế thị trường, đây là những chủ trương chính sách và hành động có ý nghĩa nhân văn. Ý nghĩa đó phản ánh trên 2 phương diện chính sau:

Một là, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động giảm lãi suất cho vay trực tiếp cho tất cả khách hàng có dư nợ tín dụng bị thiệt hại, với mức giảm từ 0,5% -2%/năm. Đồng thời đưa ra các kế hoạch tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng tại những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và doanh nghiệp;

Hai là, các TCTD đã thực hiện và vận dụng ngay các chính sách ưu đãi, các chương trình tín dụng hiện có để tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức thực hiện cho vay lại ngay sau bão cho các đối tượng chính sách để phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh. Đây là hành động rất kịp thời, mang lại ý nghĩa rất lớn, hiệu quả và thiết thực nhằm khôi phục sản xuất, vật nuôi và cây trồng tại vùng nông thôn, miền núi: khoản vay nhỏ song hiệu quả mang lại lớn trong bối cảnh hiện nay.

Có thể nói, đây là những hoạt động tín dụng nhân văn của ngành Ngân hàng, phản ánh chủ trương chính sách trúng đúng của Chính phủ, của NHNN. Đồng thời là sự chia sẻ và trách nhiệm trong thực thi chính sách của các TCTD.

Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tất cả lĩnh vực của nền kinh tế tại những địa bàn này: từ cho vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đến cho vay tiêu dùng để người dân bị khó khăn, bị thiếu hụt…mua sắm đồ dùng phương tiện sinh hoạt đi lại để phục vụ cuộc sống.

Những hoạt động này của ngành Ngân hàng sẽ mang lại hiệu ứng và tạo điều kiện tốt nhất để kinh tế tại những vùng khó khăn, bớt khó khăn, phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn sau bão.

Nguyễn Đức Lệnh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ