Theo báo Tuổi trẻ, Ngày 14/5, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, đề xuất bổ sung tuyến đường sắt nhánh Trì Bình – Dung Quất vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 từ nguồn vốn trung ương. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực kết nối vận tải cho Khu kinh tế Dung Quất – đầu tàu phát triển công nghiệp nặng và năng lượng tại miền Trung.

Theo UBND tỉnh, Dung Quất hiện giữ vai trò trung tâm trong định hướng phát triển công nghiệp lọc – hóa dầu, luyện kim, khí điện và dịch vụ logistics biển của khu vực. Cùng với hệ thống cảng nước sâu có thể đón tàu đến 200.000 tấn, khu vực này đang được quy hoạch trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chiến lược của cả nước.
Tỉnh dự tính đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trên địa bàn sẽ đạt khoảng 48 triệu tấn, riêng cảng Dung Quất 1 chiếm gần 39 triệu tấn. Tuy nhiên, tuyến đường sắt quốc gia dù chỉ cách khu vực không xa vẫn chưa có kết nối trực tiếp, gây khó khăn cho vận chuyển hàng hóa số lượng lớn, gia tăng chi phí logistics và làm giảm sức hấp dẫn đầu tư vào khu kinh tế.
Dựa trên các mô hình dự báo, tỉnh Quảng Ngãi nhận định lượng hàng hóa có thể vận chuyển bằng đường sắt trong khu vực vào khoảng 2,72 triệu tấn, chiếm khoảng 7% tổng sản lượng. Điều này cho thấy nhu cầu kết nối bằng đường sắt là có thật và khả thi.
Tuyến nhánh Trì Bình – Dung Quất, nếu được triển khai, sẽ kéo dài hơn 14km, đi qua các xã Bình Nguyên, Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận thuộc huyện Bình Sơn. Điểm đầu sẽ là ga Trì Bình – nơi kết nối với đường sắt quốc gia khổ 1.000mm – và điểm cuối là ga cảng Dung Quất. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 900 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, thực hiện trong giai đoạn 2026–2028.
Đề xuất của Quảng Ngãi không đứng ngoài các định hướng quy hoạch lớn. Tuyến đường sắt này đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050, và quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Thậm chí, trong hồ sơ sử dụng đất huyện Bình Sơn đến 2030, tuyến nhánh này cũng đã được cập nhật.
Ngoài ra, Nghị quyết số 178 của Chính phủ về phát triển giao thông đường sắt cũng xác định ngành này là một trong những động lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ. Đầu tư cho tuyến Trì Bình – Dung Quất vì vậy còn mang ý nghĩa chiến lược dài hạn về công nghiệp hóa và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vận tải của Việt Nam.
Với những luận cứ này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư cho tuyến nhánh đường sắt Trì Bình – Dung Quất. Đây không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông đơn thuần, mà còn là bước đi then chốt nhằm khơi thông dòng chảy hàng hóa, giảm tải áp lực cho đường bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh vùng.
Việc đầu tư tuyến nhánh đường sắt Trì Bình – Dung Quất cũng gắn liền với các yêu cầu thực tế từ các tập đoàn công nghiệp lớn, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát – hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại KKT Dung Quất với tổng vốn rót vào tỉnh Quảng Ngãi lên đến 7 tỷ USD. Riêng hai Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư vượt 171.000 tỷ đồng, công suất thiết kế đạt 12 triệu tấn thép/năm. Từ năm 2017 đến 2024, doanh nghiệp này đã đóng góp gần 35.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Trước đó, ngày 13/5, theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án Nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất, một dự án trọng điểm có tổng vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng trên diện tích gần 18,4ha tại KCN phía Đông Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn).
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các thủ tục quy hoạch, xử lý vướng mắc về mặt bằng, tài sản công và yêu cầu lấy ý kiến các bộ ngành trung ương như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để đảm bảo pháp lý cho việc triển khai dự án. Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho KCN phía Đông Dung Quất – nơi đặt nhà máy – dự kiến sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét thông qua ngay trong tháng 5/2025.
Dự án sản xuất ray thép được Hòa Phát cam kết triển khai nhằm cung cấp vật liệu cho các tuyến đường sắt tốc độ cao trong tương lai. Điều này không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông quốc gia mà còn đặt nền móng cho ngành công nghiệp thép chuyên dụng Việt Nam – vốn đang còn non trẻ.