Hơn chục nghìn lao động sắp "vào việc" vận hành sân bay 16 tỷ đô lớn nhất Việt Nam
Đường băng số 2 tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp khởi công, nhà ga trung tâm đã nâng mái, công tác chuẩn bị khai thác và đào tạo nhân lực đang được đẩy mạnh...
Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – chủ đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành – chỉ đạo các nhà thầu tập trung cao độ, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng hạng mục, đảm bảo cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm nay.

Đường cất hạ cánh số 2 sắp khởi công
Theo báo cáo của ACV, hiện các thủ tục liên quan đến đường cất hạ cánh số 2 đang được gấp rút hoàn tất. Hạng mục này dự kiến sẽ được khởi công vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2025 và hoàn thành trong vòng 12 tháng. Mục tiêu là đưa đường băng số 2 khai thác đồng bộ với đường băng số 1 vào nửa đầu năm 2026 – thời điểm toàn bộ giai đoạn 1 dự án dự kiến chính thức đi vào vận hành.
Trước đó, đường cất hạ cánh số 1 đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, sẵn sàng phục vụ bay hiệu chuẩn, giúp rút ngắn khoảng 3 tháng so với tiến độ ban đầu.
Các tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật bám sát tiến độ
Ở nhóm hạng mục giao thông kết nối, tuyến T1 đã cơ bản hoàn thành, với hai phần ba lớp bê tông nhựa được thảm trong tháng 4/2025. Tuyến T2 cũng đang được đẩy nhanh thi công, đặt mục tiêu hoàn tất trước dịp Quốc khánh 2/9.
Gói thầu xây dựng sân đỗ máy bay và hệ thống cấp nhiên liệu đang thi công theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Đặc biệt, nhà ga trung tâm – điểm nhấn kiến trúc và kỹ thuật của dự án – đã hoàn tất công đoạn nâng mái kết cấu thép trung tâm với tổng khối lượng 5.300 tấn. Ba cánh nhà ga hiện đã hoàn thành lớp mái đầu tiên và dự kiến trong tháng 6 sẽ hoàn tất việc lợp mái khu vực trung tâm để triển khai thi công bên trong.
Gói thầu hạ tầng kỹ thuật là “nút thắt” tiến độ
Một trong những hạng mục đang được đặc biệt chú ý là gói thầu 4.8, bao gồm hệ thống thoát nước, hầm kỹ thuật với tổng chiều dài hơn 22 km. Đây là gói thầu quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn dự án. Với hơn 20.000 đầu việc, các nhà thầu đang triển khai thi công 3 ca liên tục, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2025 để kịp bàn giao mặt bằng cho các hạng mục tiếp theo.
Các hạng mục phụ trợ được triển khai song song
Vietnam Airlines đã hoàn tất thiết kế cơ sở cho nhà bảo dưỡng máy bay (hangar), hiện đang hoàn tất thủ tục để khởi công trong tháng 6. Vietjet cũng đang triển khai thiết kế kỹ thuật và lựa chọn nhà thầu để thi công hạng mục phụ trách.
Bên cạnh thi công, công tác tổ chức chuẩn bị khai thác cũng đang được triển khai đồng bộ. Bộ Xây dựng đã kiện toàn Ban chỉ đạo công tác chuẩn bị vận hành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn làm Trưởng ban. Các Phó trưởng ban gồm ông Uông Việt Dũng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, và ông Nguyễn Tiến Việt – Phó Tổng Giám đốc ACV. Thành phần ban chỉ đạo còn có đại diện của nhiều bộ ngành và doanh nghiệp lớn như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng Công ty Quản lý bay, Vietnam Airlines, Vietjet và UBND tỉnh Đồng Nai.
Ban chỉ đạo sẽ làm đầu mối điều phối liên ngành, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị khai thác, đồng thời chủ trì tổ chức thử nghiệm vận hành, giám sát quá trình chuyển giao nhằm đảm bảo sân bay vận hành đồng bộ và hiệu quả khi đưa vào khai thác.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được quy hoạch từ năm 1997 và chính thức khởi công giai đoạn 1 vào tháng 1/2021. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 336.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Sau khi hoàn thiện cả ba giai đoạn, sân bay sẽ có công suất thiết kế 100 triệu lượt khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành sân bay lớn nhất cả nước.
Riêng giai đoạn 1, Cục Hàng không Việt Nam dự báo sẽ cần gần 13.800 lao động để vận hành sân bay. Nguồn nhân lực sẽ tập trung vào các lĩnh vực như điều hành bay, dịch vụ mặt đất, kỹ thuật hàng không, hậu cần – kho vận và an ninh. Công tác đào tạo và chuẩn bị nhân lực đang được xúc tiến song song với tiến độ xây dựng để đáp ứng yêu cầu vận hành ngay khi dự án đi vào hoạt động.