Tham dự tọa đàm, về phía Tổng cục Thi hành án Dân sự - Bộ Tư pháp có: ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng; ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng; ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1; đại diện lãnh đạo Cục trưởng, Phó Cục trưởng 20 Chi cục Thi hành án dân sự các địa phương.
Về phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường có: ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Hồng Quân, Thành viên Hội đồng Hiệp hội; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng.
Về phía Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, có: bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11.
Về phía Cục Thi hành án, Bộ Quốc Phòng, có: ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có: ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo, cán bộ của Tòa án Nhân dân tối cao; Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp; Thanh tra Bộ Tư pháp; Học viện Tư pháp; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các tổ chức hội viên Hiệp hội Ngân hàng, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Câu lạc bộ Xử lý nợ…
Thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn mà các TCTD đang gặp phải là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
"Xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết, hằng năm, Quốc hội, Chính phủ giao chỉ tiêu thi hành xong trong số có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước. Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3011/QĐ-BTP ngày 25/12/2023 ban hành Chương trình trọng tâm công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024 giao chỉ tiêu cụ thể thi hành xong trong số có điều kiện thi hành xong trên 83,25% về việc, trên 46,45% về tiền.
“Chúng tôi xác định, đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà Quốc hội, Bộ Tư pháp giao. Việc thu hồi nợ của các tổ chức ngân hàng sẽ đưa nguồn tiền vào thị trường để vận hành, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, về các vụ việc liên quan tới thi hành các khoản thu cho TCTD, thực tiễn cho thấy, tuy số việc không nhiều nhưng giá trị phải thi hành luôn chiếm tỷ trọng lớn so với các loại án (thông thường chiếm trên 50% so với tổng số tiền phải thi hành chung của tất cả các loại).
Báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết, mặc dù Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Qua tổng hợp số liệu của 14 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương...
Theo ông Nguyễn Thành Long, có 3 vướng mắc chính của các TCTD liên quan đến thi hành án tín dụng ngân hàng, gồm:
Một là, vướng mắc bất cập quy định pháp luật. Thủ tục cưỡng chế, thi hành án chưa quy định thời hạn Cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định cưỡng chế thi hành án (Điều 46 Luật Thi hành án dân sự) sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án (10 ngày), ngoài ra cũng không quy định thời gian cụ thể phải thực hiện, tổ chức kế hoạch cưỡng chế, dẫn đến quá trình thi hành án bị kéo dài do phụ thuộc vào ý chí của cơ quan thi hành án; quy định điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (Điều 31, Điều 44 Luật Thi hành án dân sự) chưa phù hợp, gây khó khăn, trở ngại trong hoạt động thi hành án dân sự; chưa có hướng dẫn cụ thể về ủy thác xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến còn vướng mắc trong áp dụng thực tế và áp dụng không thống nhất của các cơ quan thi hành án dân sự...
Hai là, vướng mắc trong thực tiễn thi hành tại các cơ quan thi hành án như việc chậm kê biên/xử lý tài sản bảo đảm; chậm bàn giao tài sản, chậm chuyển trả tiền xử lý tài sản cho TCTD; chưa thống nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm kê biên có hiện trạng khác so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng...
Ba là, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, có cả phía Tòa án và phía các cơ quan, ban, ngành (Viện Kiểm sát, UBND, Văn phòng Đăng ký Đất đai…).
Tại Tọa đàm, đại diện các TCTD như Agribank, Vietcombank, VietinBank, TPBank, SaigonBank… đã chia sẻ những trường hợp cụ thể xảy ra tại từng TCTD để chỉ rõ hơn những vướng mắc, khó khăn mà các TCTD vướng phải liên quan quan đến thi hành án tín dụng.
Án tín dụng ngân hàng luôn là vấn đề phức tạp và có giá trị rất lớn
Ở góc độ của Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 khẳng định, Tổng cục luôn xác định, thi hành án tín dụng ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch công tác của Tổ công tác chỉ đạo, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng (Tổ xử lý nợ xấu).
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành cho 41 TCTD trong nước; 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 4 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam; 17 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính và ngân hàng khác.
Tổng số phải thi hành là 46.562 việc, tương ứng 193.858 tỷ 592 triệu 113 nghìn đồng (So với cùng kỳ năm 2023, số phải thi hành án tăng 7.039 việc và tăng 39.406 tỷ 020 triệu 292 nghìn đồng), chiếm 5,11% về việc và 40,66 % về tiền so với tổng số việc/tiền phải thi hành toàn hệ thống năm 2024. Đã thi hành xong 4.513 việc, tương ứng 24.211 tỷ 174 triệu 821 nghìn đồng (đạt tỷ lệ 15,87% về việc, 18,78% về tiền). So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thi hành xong tăng 0,94% về việc, 1,82% về tiền (tăng 945 việc, 8.573 tỷ 256 triệu 962 nghìn đồng). Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng có chuyển biến so với cùng kỳ năm 2023 cả về việc, tiền (tăng tỷ lệ 0,94% về việc, 1,82% về tiền).
Về khó khăn, vướng mắc, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 cho rằng, dù số việc phải thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số việc phải thi hành án hàng năm (trung bình chiếm khoảng 3-5%), nhưng số tiền trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng lại chiếm tỷ lệ rất cao trong số tiền phải tổ chức thi hành án (trung bình chiếm khoảng 50-60%).
Một số địa phương có số việc và tiền phải thi hành án lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, dẫn đến tình trạng quá tải của Chấp hành viên... Điều này tạo ra một áp lực rất lớn cho các cơ quan thi hành án dân sự.
"Mặc dù, cơ quan thi hành án dân sự đã có sự nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để tiến hành xác minh, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tiền cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng và đã có sự chuyển biến nhưng kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng đạt được chưa như mong muốn, thời gian giải quyết xong một việc thi hành án kéo dài và chi phí lớn, tỷ lệ giải quyết các vụ việc còn thấp...", bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ.
Trao đổi một số vấn đề cần lưu ý từ phía ngân hàng với tư cách người được thi hành án, Tòa án trong việc tuyên án và cơ quan thi hành án, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định, án liên quan đến tín dụng ngân hàng luôn là vấn đề phức tạp và thường có số tiền thi hành lớn so với các loại án khác.
Đối với ngân hàng, bà Tạ Thị Hồng Hoa tập trung vào các vấn đề gồm: Cho vay thế chấp là dự án có tài sản gắn liền với đất; cho vay thế chấp tài sản là động sản; những án tín dụng ngân hàng vay bằng tín chấp; thẩm định, quản lý tài sản thế chấp và thi hành án các tài sản đặc biệt.
Cụ thể, bà Tạ Thị Hồng Hoa phân tích, cho vay thế chấp là dự án có tài sản gắn liền trên đất là loại hình cho vay có rủi ro cao. Do vậy, Ngân hàng cần có biện pháp cụ thể giải quyết hậu quả để thu hồi vốn, trong đó phần lớn là các vụ việc có vốn nhà nước.
Cho vay thế chấp tài sản là động sản cũng là loại có rủi ro cao, vì tài sản thế chấp thường là: ô tô, tàu biển, máy móc sản xuất… khi cho vay, ngân hàng chỉ giữ giấy tờ, còn tài sản phương tiện vẫn cho lưu thông hoặc được sử dụng để sản xuất, dịch vụ. Nếu khi người vay mất khả năng trả nợ, chắc chắn tài sản thế chấp sẽ hao mòn lớn, không ít trường hợp gặp rủi ro cao trong lưu thông, sản xuất…
Với những án tín dụng ngân hàng vay bằng tín chấp, Phó Vụ trưởng Vụ 11 khẳng định, trường hợp này không có tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ nên quá trình tổ chức thi hành án không đạt được hiệu quả cao, không thể xử lý xong việc thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, dẫn đến án tồn đọng kéo dài nhiều năm.
Với việc thẩm định, quản lý tài sản thế chấp, bà Tạ Thị Hồng Hoa chỉ rõ, có trường hợp cho vay thế chấp tài sản gắn liền trên đất trả tiền hằng năm, qua kiểm sát hồ sơ chưa có điều kiện thi hành án, thấy đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng ngay trong thời điểm đang là tài sản thế chấp, tăng giá trị rất nhiều, nhưng dự án không còn là của người phải thi hành án, khoàn tiền nợ đã thành khoản phải thi hành án thuộc loại chưa có điều kiện. Điều này dẫn đến việc ngân hàng mất quyền xử lý đối với tài sản và khoản nợ buộc phải xếp vào loại chưa có điều kiện.
Với việc thi hành án các tài sản đặc biệt, các loại tài sản này cần phải có một quy trình xử lý rất phức tạp, trong đó khó nhất là định giá và xác định ai là người có thể đăng ký mua đấu giá, sau khi trúng đấu giá thì thủ tục chuyển tên như thế nào.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án, Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ ra thực trạng không ít trường hợp các Quyết định công nhận thỏa thuận hoặc bản tuyên xử lý tài sản bảo đảm gây tranh cãi về nghĩa của từ ngữ, dẫn đến vướng mắc cho thi hành án.
Từ đó, bà Tạ Thị Hồng Hoa đưa quan điểm rằng, phải thống nhất quan điểm “có vay phải có trả”, ý nghĩa của việc thế chấp tài sản là để đảm bảo nghĩa vụ (khoản vay), có nghĩa là nếu không trả nợ đúng hạn theo hợp đồng vay thì tài sản bị xử lý thay thế khoản vay mà người vay có nghĩa vụ trả. Việc tuyên khác nhau như vậy cũng chỉ là do yếu tố “kỹ thuật” khi ban hành bản án, quyết định. Tuy nhiên, nhiệm vụ của thi hành án là thi hành đúng bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án. Cho nên, bản án, quyết định ghi sao thì phải thi hành như vậy.
Đối với cơ quan thi hành án dân sự, cùng với những lý do khách quan như do án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỉ lệ cao, dù rất quyết tâm để thi hành, nhưng do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế thì cơ quan thi hành án cũng có những lỗi chủ quan như việc xác định bản án khó thi hành.
“Thực tế, trong quá trình kiểm sát, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, bản án tuyên không rõ nhưng Cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản hỏi Toà án hoặc có nhưng cách cách hỏi Tòa án không rõ ý dẫn đến Toà án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án. Ngược lại, có trường hợp, theo nội dung Bản án tuyên vẫn rõ, có thể thi hành nhưng cơ quan thi hành án dân sự khi nghiên cứu đã hiểu không đúng nên cho rằng khó thi hành", bà Hoa cho biết.
Về phía các cơ quan liên quan, Phó Vụ trưởng Vụ 11 cho rằng, trên thực tế, việc phối hợp của các cơ quan như cơ quan đăng ký đất đai, sở kế hoạch đầu tư, thuế, sở xây dung... đôi khi chưa kịp thời, có lúc thiếu chính xác.
Tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng
Để nâng cao hơn nữa kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị Tổng cục Thi hành án tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thi hành án các cấp tích cực xử lý dứt điểm những vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng đã tồn đọng nhiều năm; chỉ đạo các Cơ quan thi hành án phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan trên địa bàn nhanh chóng bàn giao tài sản đã bán đấu giá và thanh toán tiền thi hành án cho người được thi hành án (ngân hàng).
Mặt khác, cơ quan thi hành án thực hiện đúng theo Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo các nội dung được Quy định tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, Tổng cục Thi hành án có ý kiến với cơ quan quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ban ngành có liên quan để hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được xử lý để thanh toán cho người được thi hành án...
Cũng theo ông Long, Luật Thi hành án năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, tuy nhiên đến nay từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, vì vậy, đề nghị Tổng cục Thi hành án xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hành án, ủy thác xử lý TSBĐ, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, phần vốn góp....
Bà Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị Cơ quan Thi hành án dân sự đẩy mạnh công tác đôn đốc, kiểm tra trực tiếp án tín dụng ngân hàng đối với các đơn vị có kết quả thi hành án thấp; nhiều vụ việc có điều kiện thi hành, giá trị lớn nhưng chưa thi hành xong do còn khó khăn, vướng mắc. Việc kiểm tra phải đúng quy trình, có chất lượng; sau kiểm tra phải có kết luận cụ thể và theo dõi sát sao tình hình thực hiện; đánh giá kết quả và hiệu quả của việc thực hiện gắn với công tác cán bộ.
Đối với khó khăn liên quan đến việc tài sản bảo đảm trong trường hợp hiện trạng có sự thay đổi so với thời điểm thế chấp, Cục Thi hành án dân sự kiến nghị với Tổng cục Thi hành án dân sự, một mặt, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan có liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng.
Mặt khác, hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành những văn bản, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về thi hành án dân sự; hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi...
Cục Thi hành án cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng, TCTD phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án như: cung cấp thông tin, các giấy tờ, tài liệu liên quan phục vụ việc xử lý tài sản; kịp thời, tích cực trong việc thỏa thuận tìm phương thức thanh toán phù hợp trong việc nhận tài sản sau 2 lần giảm giá; cử đại diện theo ủy quyền đúng quy định và có quyền quyết định khi làm việc với Chấp hành viên...
Tại hội thảo, các cơ quan Thi hành án địa phương như: Bắc Ninh; TP. Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Lâm Đồng;... cũng đã đưa ra những kiến nghị để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng như: vụ việc liên quan công ty Vạn Phát, vụ toà án đình chỉ giải quyết vụ án, chứng thư thẩm định quá hạn, tài sản là đất thuê trả tiền hàng năm chỉ đựợc kê biên tài sản trên đất…
Kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá cao những ý kiến đóng góp, tham luận và những đề xuất kiến nghị đưa ra tại Tọa đàm. Các ý kiến đóng góp đều rất trách nhiệm, thẳng thắn, sát với thực tiễn và mang tính gợi mở.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị các cơ quan thi hành án địa phương báo cáo kết quả với 300 vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, nêu rõ nguyên nhân, lý do và báo cáo trong vòng 3 tháng tới đây để cùng khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Đồng thời, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các TCTD tiếp tục phối hợp tích cực với cơ quan thi hành án để cùng tháo gỡ các vấn đề phức tạp trong từng vụ việc cụ thể.
Khẳng định việc xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) rất quan trọng, ông Nguyên Quang Thái đề nghị Hiệp hội Ngân hàng hỗ trợ Tổng cục Thi hành án dân sự cùng tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật thông qua việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chi nhánh ngân hàng tỉnh/địa phương.
Minh Đức