Sáng ngày 14/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự (Thi hành án dân sự), Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Tọa đàm “Thực trạng thi hành án tín dụng ngân hàng, biện pháp giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng và đề xuất hoàn thiện pháp luật về thi hành án tín dụng ngân hàng”.
Tham dự Tọa đàm, về phía Bộ Tư pháp có: ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự; bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế; ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo 9 Chi cục Thi hành án trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; đại diện các tổ chức tín dụng hội viên; thành viên CLB Pháp chế Ngân hàng, CLB AMC.
Về phía Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) có: bà Phạm Liên Anh, Trưởng Chương trình Kiến tạo Thị trường, IFC Việt Nam.
Về phía Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh có: ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án.
Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện của Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh; Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh; Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh.
Thực tiễn thi hành án tín dụng ngân hàng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế
Phát biểu khai mạc Tọạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, hoạt động thi hành án dân sự có vai trò quan trọng, nhằm bảo đảm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án được thi hành theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án (bên có quyền).
Căn cứ các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án, công tác thi hành án tín dụng ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, từ năm 2022 đến nay, do tác động của kinh tế thế giới và trong nước, doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngành Ngân hàng có xu hướng tăng cao, trong khi việc thi hành án tín dụng ngân hàng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế về quy định pháp luật, về áp dụng pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền, làm cho nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng vụ việc tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ xấu của ngân hàng.
Báo cáo khó khăn, vướng mắc của các TCTD liên quan đến thi hành án tín dụng ngân hàng và đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, cho biết, Hiệp hội Ngân hàng nhận được phản ánh của các ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh về việc nhiều vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng tồn đọng trên địa bàn với số lượng lớn, trong đó nhiều vụ đã tồn đọng rất nhiều năm chưa được giải quyết. Nguyên nhân của những vụ việc tồn đọng trên tập trung các nhóm: vướng mắc từ phía cơ quan thi hành án, cơ quan có thẩm quyền, vướng mắc do quy định pháp luật và áp dụng pháp luật.
Về vướng mắc từ phía cơ quan thi hành án dân sự, mặc dù công tác phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên có nơi có lúc còn gặp vướng mắc, cơ quan thi hành án chưa chủ động tổ chức thi hành vụ việc dẫn đến nhiều vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng chậm trễ chưa được giải quyết (trong 71 vụ việc thi hành án tồn đọng tại 12 TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mà Hiệp hội Ngân hàng nhận được thì có nhiều vụ việc vướng mắc từ phía cơ quan thi hành án).
Cụ thể: Cơ quan thi hành án chậm kê biên/xử lý tài sản bảo đảm; cơ quan thi hành án chậm bàn giao tài sản cho TCTD; tài sản bảo đảm mà TCTD đề nghị kê biên có sai lệch về diện tích (thừa, không phát hiện nguyên nhân) hoặc tài sản bảo đảm có tài sản gắn liền với đất của thửa liền kề xây chồng lấn); cơ quan thi hành án liên tục thay đổi chấp hành viên.
Về vướng mắc do quy định pháp luật hoặc áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền trên thực tế, có thể kể đến một số vướng mắc điển hình liên quan đến: tạm ngưng thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu nại; xác định tỷ lệ bảo đảm khi xử lý tài sản thi hành án; về kê biên tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; định giá, định giá lại tài sản thi hành án khi tổ chức kê biên tài sản.
Tại Tọa đàm, đại diện các TCDT như Vietcombank, VIB, OCB, Seabank, ABBank… đã chia sẻ những trường hợp cụ thể xảy ra tại từng TCTD để chỉ rõ hơn những vướng mắc, khó khăn mà các TCTD vướng phải liên quan quan đến thi hành án tín dụng.
Áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án tín dụng là rất lớn
Xác định việc thi hành án tín dụng ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp cho biết, Tổng cục đã ban hành Kế hoạch công tác của Tổ xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự địa phương triển khai Kế hoạch, thi hành Nghị quyết số 42, chủ động kiểm tra, rà soát các vụ việc có điều kiện, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành từng vụ việc để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Kết quả tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng 12 tháng năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023): Tổng số phải thi hành là 39.710 việc, tương ứng hơn 153.681 tỷ đồng (tăng 2.652 việc, hơn 16.370 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022). Đã thi hành xong 4.963 việc, tương ứng gần 21.265 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 21,54% về việc, 24,11% về tiền).
So với cùng kỳ năm 2022, giảm 1.252 việc và giảm 1.279,5 tỷ đồng (giảm 6,12% về việc, 6,41% về tiền).
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, linh hoạt các hình thức kiểm tra, chỉ đạo giải quyết án tín dụng ngân hàng tại 13 tỉnh, thành phố; Chủ động theo dõi, chỉ đạo định kỳ đối với 155 vụ việc tín dụng ngân hàng giá trị trên 20 tỷ đồng, 3 năm chưa thi hành xong.
Công tác Thi hành án dân sự đối với thu hồi nợ cho các TCTD dù nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để tổ chức thi hành án, tuy nhiên, do hệ lụy của đại dịch COVID-19 gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản trầm lắng không thu hút được khách hàng mua tài sản thi hành án, dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ cho TCTD chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, cũng xuất phát từ tính chất tài sản bảo đảm để thi hành án còn nhiều vướng mắc, không kê biên đươc; tài sản bán nhiều lần không có người mua; người phải thi hành án cố tình trốn tránh, chống đối, tẩu tán tài sản…
Qua tổng hợp số liệu cho thấy, tổng số việc bán đấu giá thành công trên toàn quốc đến nay đạt 2.259 việc, với tổng số tiền là hơn 6.818 tỷ đồng, cơ quan Thi hành án dân sự đã giao cho người trúng đấu giá 1.811 việc, hủy kết quả bán đấu giá 40 việc. Số còn lại 408 việc đang trong quá trình tổ chức giao tài sản, trong đó một số địa phương có số tài sản chưa giao còn lớn như: TP. Hà Nội (111 việc), TP. Hồ Chí Minh (33 việc), Gia Lai (28 việc), An Giang (15 việc).
Tổng số việc bán đấu giá chưa thành công là 3.288 việc, với tổng giá trị là hơn 14.142 tỷ đồng, trong đó có 1.196 việc bán đấu giá từ 2 lần trở xuống, 1.175 việc bán đấu giá từ 3 đến 5 lần, 667 việc bán đấu giá từ 6 lần đến 10 lần, 173 việc từ bán đấu giá từ 11 đến 15 lần, 37 việc bán đấu giá từ 16 đến 19 lần, 40 việc bán đấu giá từ 20 lần trở lên như: Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh thi hành Bản án số 96/2017/QĐST- KDTM ngày 21/9/2017, Quyết định thi hành án số 681/QĐ-CCTHADS của Chi cục Thi hành án dân sự quận 7 ngày 27/11/2017, người phải thi hành án là Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ Phương Tây có số tiền phải thi hành là trên 2,7 tỷ đồng, tài sản đấu giá là máy móc thiết bị, đã bán đấu giá trên 20 lần nhưng chưa thành…
Đặc biệt về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thi hành án, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những năm gần đây, tranh chấp hợp đồng tín dụng được Toà án thụ lý giải quyết ngày càng nhiều. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh còn bất cập, đặt ra những yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài với mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/11/2023, Tòa án nhân dân hai cấp TP. Hồ Chí Minh thụ lý mới 3.422 vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng. Với số liệu nêu trên cho thấy tranh chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án hai cấp TP. Hồ Chí Minh là rất lớn.
Ông Phan Văn Thụy, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù các cơ quan thi hành án luôn xem việc thi hành án liên quan đến các TCTD là nhiệm vụ trọng tâm nhưng kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự cũng như sự kỳ vọng của các TCTD, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, số lượng tiền phải thi hành án cho các TCTD là rất nhiều, chiếm khoảng 17% tổng giá trị mà các cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành. Do vậy, áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án liên quan đến các TCTD là rất lớn.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với án tín dụng ngân hàng tồn đọng
Một trong những nguyên nhân khiến kết quả thi hành án chưa đạt được kỳ vọng hiện nay xuất phát từ sự bất cập về mặt thể chế.
“Thi hành án dân sự vốn dĩ là hoạt động hết sức phức tạp, bởi đặc thù là có sự va chạm lớn về quyền, lợi ích về tài sản giữa các chủ thể. Hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự mặc dù đã có những tiến bộ trong những năm vừa qua nhưng vẫn không tránh khỏi việc còn những điểm bất cập, vướng mắc và việc hoàn thiện cũng không phải là việc có thể làm một sớm một chiều", bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, quá trình thi hành án vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc từ quy định của pháp luật, trong đó có những quy định từ pháp luật về Thi hành án dân sự cần phải sửa đổi dự kiến theo lộ trình năm 2025, tập trung vào 5 nhóm chính sách, định hướng lớn như sau: Phạm vi hoạt động, phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong Thi hành án dân sự; Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia Thi hành án dân sự khác; Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong Thi hành án dân sự; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong Thi hành án dân sự; Hoàn thiện trình tự, thủ tục Thi hành án dân sự; Đảm bảo nguồn lực để tổ chức Thi hành án dân sự.
“Trong thời gian tiếp theo, Tổng cục Thi hành án dân sự xác định nhiệm vụ công tác Thi hành án dân sự nói chung, trong đó có thi hành án tín dụng ngân hàng, trước mắt và lâu dài sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp; đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về Thi hành án dân sự, nhất là hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác Thi hành án dân sự", bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Phong đưa ra 5 đề xuất:
Thứ nhất, các quy định cần được pháp điển hóa thành luật, quy định thống nhất, rõ ràng. Hằng năm cần có sự rà soát, bãi bỏ những văn bản quy định lỗi thời, bất cập, chồng chéo mâu thuẫn.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về chủ thể của quan hệ thế chấp tài sản. Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ điều chỉnh quan hệ nhân thân, tài sản đối với cá nhân và pháp nhân, còn các chủ thể khác như hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân lại không quy định điều chỉnh như trước đây
Thứ ba, về vấn đề bên thứ ba dùng tài sản của mình để thế chấp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên vay trong hợp đồng tín dụng ngân hàng; Pháp luật cần hướng dẫn cụ thể hơn về trường hợp này là hợp đồng thế chấp hay hợp đồng bảo lãnh. Về phía ngân hàng cũng cần có quy định chặt chẽ trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp.
Thứ tư, về định giá tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản. Cần thống nhất cơ sở xác định giá bất động sản theo hướng hình thành những căn cứ nhất định, chứ không để xác định một cách “tràn lan”.
Thứ năm, cần xây dựng Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm thống nhất.
Ông Phan Văn Thụy, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả việc thi hành án liên quan đến TCTD, ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới, cụ thể:
Đối với các cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên: Triển khai và thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự nói chung và các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nói riêng; nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ; các Chi cục trưởng, trưởng phòng chuyên môn thuộc cục phải chủ động tự rà soát, kiểm tra hồ sơ tổ chức thi hành án của Chấp hành viên để kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành án hoặc khắc phục ngay các sai sót trong quá trình tổ chức thi hành án, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo...
Đối với các TCTD, ngân hàng, ông Phan Văn Thụy đề nghị, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý của tài sản thế chấp khi cho vay như: Trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, giải quyết tranh chấp và thi hành án, ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp để tránh trường hợp khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án về sau; cần xác định rõ quan điểm và trách nhiệm khi tham gia giải quyết việc thi hành án đó là trách nhiệm chung, là sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với chấp hành viên trong quá trình kê biên, xử lý tài sản thế chấp; bàn giao kịp thời, đầy đủ bản chính giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng khi có yêu cầu; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự... cho cán bộ, chuyên viên ngân hàng để có kiến thức cơ bản khi thẩm định tính pháp lý của tài sản nhận cầm cố, thế chấp, tham gia khởi kiện, thi hành án dân sự nhằm đảm bảo và quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức mình.
Kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá cao các ý kiến được đưa ra tại Tọa đàm. Các đề xuất, kiến nghị đúng tinh thần trách nhiệm, tập trung đúng yêu cầu, thẳng thắn, qua đó hai bên thu nhận được nhiều kiến thức.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến về thể chế được đưa ra tại tọa đàm để nghiên cứu, đánh giá, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tại các cấp khác nhau.
Về giải pháp cho thời gian tới, ông Nguyễn Văn Sơn đề nghị, cần tập trung vào các điểm chính như: Khắc phục những điểm chưa làm đến nơi đến chốn, chưa có trách nhiệm cao đã được chỉ ra; cần sự vào cuộc, tham gia, thống nhất của liên ngành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự mong muốn, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục làm đầu mối, làm cầu nối giữa TCTD và cơ quan thi hành án để các bên có sự thống nhất, hiệu quả trong thi hành án tín dụng.
Quỳnh Lê