Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 66): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn

23/05/2024 - 04:19
(Bankviet.com) Trong giao dịch hàng hóa, hợp đồng quyền chọn là một trong những hợp đồng được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất bởi lợi thế bảo hiểm giá.
Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 63): Xử lý vi phạm thành viên (Phần 3) Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 65): Các khái niệm cơ bản trong giao dịch hợp đồng quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn giúp người mua xác định cụ thể được mức rủi ro tối đa khi tham gia vào thị trường; sử dụng các chiến lược giao dịch, kết hợp nhiều giao dịch với nhau để giới hạn cả mức rủi ro và lợi nhuận trong một phạm vi nhất định.

Để giao dịch các hợp đồng quyền chọn một cách hiệu hiệu quả, có rất nhiều chiến lược khác nhau mà nhà đầu tư có thể sử dụng. Trong số này Báo Công Thương sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan đến các các chiến lược phổ biến trong giao dịch các hợp đồng quyền chọn.

Chiến lược quyền chọn bán bảo vệ (Protective Puts)

Chiến lược này được thực hiện bằng việc mua quyền chọn bán đối với tài sản cơ sở mà nhà đầu tư sở hữu. Nếu giá của tài sản cơ sở cao hơn giá thực hiện, quyền chọn sẽ không được thực hiện. Khi đó, nhà đầu tư trả khoản phí quyền chọn. Tuy nhiên, nếu giá của tài sản cơ sở thấp hơn giá thực hiện, nhà đầu tư có thể phải bán tài sản cơ sở ở mức giá thực hiện.

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 66): Các chiến lược trong giao dịch Hợp đồng quyền chọn

Chiến lược này được sử dụng trong kịch bản thị trường tăng mạnh và nhà đầu tư muốn bảo vệ lợi nhuận của họ.

Ví dụ: Nhà đầu tư mua 1 hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn lúa mì, kỳ hạn tháng 9/2024 ở mức giá 100 USD.

Đồng thời, mua quyền chọn bán 1 hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 7/2024 ở mức giá thực hiện 100 USD, phí quyền chọn là 5 USD.

Nếu giá lúa mì tăng lên 110 USD thì nhà đầu tư lãi ở vị thế mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn 10 USD/hợp đồng và quyền chọn không được thực hiện. Nhà đầu tư sẽ bị mất 5 USD phí quyền chọn. Tổng nhà đầu tư lãi 10 USD – 5 USD = 5 USD

Ngược lại nếu giá lúa mì giảm xuống còn 93 USD, nhà đầu tư lỗ ở vị thế mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn 7 USD/hợp đồng, nhưng lại lãi ở vị thế mua quyền chọn 7 USD. Do đó lỗ tối đa là 5 USD.

Chiến lược quyền chọn mua có đối ứng (Covered Call)

Chiến lược này được thực hiện bằng việc bán quyền chọn mua đối với tài sản cơ sở mà nhà đầu tư sở hữu. Nếu giá của tài sản cơ sở thấp hơn giá thực hiện (strike price), quyền chọn sẽ không được thực hiện, cho phép nhà đầu tư giữ phí quyền chọn. Tuy nhiên, nếu giá vượt quá giá thực hiện, nhà đầu tư có thể phải bán tài sản cơ sở ở mức giá thực hiện, có khả năng bỏ lỡ cơ hội thu được thêm lợi nhuận.

Chiến lược này được sử dụng trong kịch bản thị trường trung tính đến tăng nhẹ.

Ví dụ: Nhà đầu tư mua 1 hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn lúa mì kỳ hạn tháng 9/2024 ở mức giá 100 USD.

Đồng thời, bán quyền chọn mua 1 hợp đồng lúa mì kỳ hạn tháng 7/2024 ở mức giá thực hiện 100 USD, phí quyền chọn là 5 USD.

Nếu giá lúa mì giảm xuống còn 93 USD, nhà đầu tư bị lỗ ở vị thế mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn 7 USD/hợp đồng và quyền chọn không được thực hiện. Nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán quyền chọn nhận được 5 USD phí quyền chọn. Tổng nhà đầu tư lỗ 7 USD – 5 USD = 2 USD.

Ngược lại nếu giá lúa mì tăng lên 103 USD, nhà đầu tư lãi ở vị thế mua hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn 3 USD/hợp đồng và bị lỗ ở vị thế bán quyền chọn 3 USD. Nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán quyền chọn nhận được 5 USD phí quyền chọn. Tổng nhà đầu tư lãi 3 USD + 5 USD - 3 USD = 5 USD.

Bạn đọc có câu hỏi liên quan đến vấn đề giao dịch hàng hóa vui lòng gửi về email: [email protected] hoặc [email protected].

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam

Theo: Báo Công Thương