Hồi kết cho tranh chấp thương hiệu Celano: Kido Foods nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản phong toả

11/02/2025 - 17:56
(Bankviet.com) Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa ban hành quyết định mới liên quan đến vụ kiện tranh chấp nhãn hiệu Celano giữa Công ty CP Tập đoàn KIDO (KDC) và Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods) cùng Công ty Dat Viet Media.

Diễn biến vụ kiện và kết luận của Tòa án

Ngày 6/1/2025, Tập đoàn KIDO chính thức nộp đơn kiện KIDO Foods và Dat Viet Media với ba yêu cầu chính. Trước hết, KIDO yêu cầu các bên liên quan ngừng ngay hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu Celano và các thương hiệu khác thuộc sở hữu của tập đoàn. Tiếp đó, KIDO đề nghị Dat Viet Media phải gỡ bỏ toàn bộ nội dung sử dụng trái phép nhãn hiệu Celano trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các kênh quảng bá khác. Cuối cùng, KIDO muốn KIDO Foods và Dat Viet Media công khai xin lỗi, cải chính thông tin trên ba số báo liên tiếp của một tờ báo lớn vì hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hồi kết cho tranh chấp thương hiệu Celano: Kido Foods nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản phong toả
Hình minh họa

Bên cạnh đơn kiện, KIDO cũng gửi đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm KIDO Foods và Dat Viet Media quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu Celano trên các phương tiện truyền thông, bao gồm chương trình "Anh Trai Say Hi", "2 Ngày 1 Đêm", các trang Facebook và tài khoản TikTok liên quan. Ngày 17/1/2025, Tòa án đã chấp thuận yêu cầu này và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, đến ngày 20/1/2025, KIDO Foods chính thức gửi đơn khiếu nại.

Theo Tòa án, nhãn hiệu “Celano” thuộc quyền sở hữu của KIDO dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 98453 do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 28/11/2023. Ngoài ra, các hồ sơ pháp lý khác, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 367495 cấp ngày 20/10/2020, hợp đồng chuyển nhượng giữa KIDO Foods và KIDO vào ngày 1/7/2022, cũng cho thấy việc chuyển nhượng nhãn hiệu Celano từ KIDO Foods sang KIDO đã hoàn tất và được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận vào ngày 23/8/2022.

Cùng với các chứng cứ đi kèm, như vi bằng xác nhận hoạt động quảng bá nhãn hiệu Celano của Dat Viet Media, Tòa án cho rằng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp của KIDO là hợp lý.

Tuy nhiên, đến ngày 25/1/2025, KIDO Foods đã cam kết tiếp tục sản xuất, kinh doanh sản phẩm kem mang nhãn hiệu Celano theo hiện trạng từ năm 2003 đến nay để duy trì uy tín thương hiệu. Đồng thời, công ty này đồng ý bồi thường thiệt hại theo phán quyết của Tòa án, cụ thể là nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với KIDO nếu có yêu cầu bồi thường.

Ngay sau đó, Tòa án đã ra quyết định buộc KIDO Foods chuyển khoản 50 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa tại Sacombank - Chi nhánh Sài Gòn. Đến ngày 3/2/2025, KIDO Foods đã hoàn thành việc nộp số tiền này.

Sau khi xem xét diễn biến vụ việc, Tòa quyết định gỡ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định cuối cùng được công bố với nội dung chấp nhận đơn khiếu nại của KIDO Foods và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp đã được ban hành trước đó vào ngày 17/1/2025.

Tóm lược thương vụ M&A của KIDO và KIDO Food

Liên quan đến thương vụ M&A giữa KIDO Foods và các đối tác, tháng 9/2024, Nutifood đã chính thức trở thành công ty mẹ của KIDO Foods sau khi mua lại 51% cổ phần. KIDO Foods hiện là doanh nghiệp sản xuất và phân phối hai thương hiệu kem lớn tại Việt Nam, Merino và Celano.

Trước đó, năm 2023, KIDO đã bán 24% vốn tại KIDO Foods, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%, đồng nghĩa với việc không còn nắm quyền kiểm soát công ty này. Giá trị thương vụ chuyển nhượng lên đến 1.069 tỷ đồng, đưa định giá KIDO Foods lên khoảng 4.450 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD).

Dù không còn chi phối, nhưng sau tranh chấp vừa qua, KIDO khẳng định thương hiệu Merino và Celano vẫn thuộc sở hữu của tập đoàn, dù KIDO Foods đang sử dụng hai nhãn hiệu này để kinh doanh. Đặc biệt, thương hiệu Celano đã được KIDO nhận lại quyền sở hữu từ KIDO Foods vào tháng 12/2023.

Ngày 24/1/2025, KIDO tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để lấy ý kiến về việc bán 24% cổ phần tại KIDO Foods. Kết quả cho thấy 91,3% cổ đông tham dự không đồng ý với giao dịch này.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị KIDO, nhấn mạnh rằng mua nhà máy và mua thương hiệu là hai chuyện khác nhau. Một hợp đồng bán có thương hiệu và một hợp đồng bán không có thương hiệu là hoàn toàn khác biệt. Kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy hơn 99,1% cổ đông phản đối việc chuyển nhượng thương hiệu Celano, Merino và KIDO.

KIDO Foods bị cấm sử dụng nhãn hiệu Celano

Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định cấm KIDO Foods sử dụng nhãn hiệu Celano, bảo vệ quyền sở hữu của Tập đoàn ...

Kido chỉ hoàn thành 13% mục tiêu lợi nhuận năm 2024, nợ vay vượt mốc 4.000 tỷ đồng

Kido báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2024 chỉ đạt 107 tỷ đồng, tương đương 13% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, tổng ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán