Hội nghị có sự tham dự của đại diện các nước nhận hỗ trợ khác là Lào và Campuchia, các nhà tài trợ cho hoạt động của CDOT là Bộ Tài chính Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Thái Lan, đồng thời có đại diện của IMF, cụ thể gồm CDOT, Viện Tăng cường năng lực, Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Vụ Tài khóa, Vụ Thị trường vốn và tiền tệ, Vụ Thống kê; Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương, Viện Đào tạo khu vực của IMF tại Singapore, các Văn phòng đại diện của IMF tại các nước. Hội nghị được tổ chức sáng ngày 27/7.
Năm nay, hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề gồm:
(i) Cách thức để tập trung hơn nữa công tác tăng cường năng lực của CDOT vào những thách thức kinh tế vĩ mô do đại dịch COVID-19 tạo ra;
(ii) Đề xuất cách thức tích hợp hơn nữa công tác tăng cường năng lực với giám sát của Quỹ, xem xét các ưu tiên mới nổi như thanh toán và tiền kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và môi trường;
(iii) Giải quyết các nhu cầu vĩ mô quan trọng trong trung và dài hạn của các quốc gia để cải thiện thể chế và quản lý kinh tế vĩ mô và hạn chế tổn thương liên quan đến Covid, tập trung vào sáu lĩnh vực hoạt động của CDOT là thống kê khu vực đối ngoại, thống kê tài chính chính phủ, quản lý kinh tế vĩ mô, nghiệp vụ tiền tệ và ngoại hối, quản lý tài chính công và nghiệp vụ kho bạc;
(iv) Cách thức cải thiện hoạt động tăng cường năng lực từ xa.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các nước đã đánh giá cao sự ủng hộ của IMF và Chính phủ Nhật Bản, Thái Lan cho hoạt động của CDOT cũng như các hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho các nước trong khu vực. Các dự án tăng cường năng lực của CDOT trong năm tài chính 2021 đều đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, bộ ngành hữu quan trong khu vực, tập trung vào 3 mảng nội dung trọng yếu gồm khuôn khổ phân tích về kinh tế và thống kê, phản ứng trước COVID-19 và các vấn đề đang nổi như chuyển đổi số, tài chính bền vững trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng…
Các nước ghi nhận những trao đổi, thảo luận và khuyến nghị có tính chuyên môn sâu trong khuôn khổ các dự án của CDOT đã đóng góp rất tích cực và kịp thời cho việc phân tích, dự báo, lập kế hoạch và điều hành chính sách tại các nước trong bối cảnh các nước phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19…
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện của Việt Nam và các nước nhận tài trợ từ CDOT đã đưa ra nhiều vấn đề cũng như nhu cầu cần được CDOT hỗ trợ tăng cường năng lực trong thời gian tới.
Với chủ đề mục tiêu liên quan đến quản lý tác động của đại dịch đối với tài chính vĩ mô, NHNN đã đề xuất với CDOT về nhu cầu hỗ trợ của Việt Nam, trong đó tập trung vào các hoạt động và dự án hiện đang được CDOT thực hiện tại Việt Nam về thống kê khu vực đối ngoại; xây dựng Hệ thống phân tích và dự báo chính sách; quản lý ngân sách; quản lý thuế; chính sách thuế; quản lý kho bạc; quản lý nợ công; hội nhập tài chính quốc tế; dự báo kinh tế vĩ mô; đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ; xây dựng mô hình kinh tế đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới và các chính sách phản ứng phù hợp; hướng dẫn biên soạn chỉ số giá bất động sảnvà phương pháp luận về chỉ số giá tiền lương, chỉ số giá dịch vụ, chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào.
Liên quan đến các vấn đề mới nổi, Việt Nam đã đề nghị sự quan tâm hỗ trợ đào tạo, tập huấn chuyên sâu về xây dựng khuôn khổ chính sách phát triển tài chính xanh, trong đó có tín dụng xanh, để hỗ trợ quản trị rủi ro, phát triển kỹ năng và kinh nghiệm trong các dự án xanh từ đó tạo được môi trường thuận lợi, thu hút nguồn vốn tư nhân cho các dự án xanh; ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thực hiện các nhiệm vụ đưa ra tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Về những thách thức trong điều kiện tăng cường năng lực qua hình thức trực tuyến, NHNN chia sẻ rằng kinh nghiệm từ các công cụ và cách thức làm việc mới trong năm qua cho thấy hầu hết các cuộc họp và trao đổi có thể được quản lý hiệu quả bằng công nghệ ảo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc trực tiếp có mặt là cần thiết, không chỉ đối với một số loại hình cuộc họp mà nói chung để duy trì văn hóa dạy và học và tạo cảm giác gắn kết.
Được biết, Hội nghị CDOT là một diễn đàn để các đại biểu thảo luận, chia sẻ quan điểm, đánh giá, kinh nghiệm về quá trình thực hiện, xây dựng và sử dụng hỗ trợ kỹ thuật, cũng như nhu cầu trong thời gian tới. Qua đó, Hội nghị CDOT sẽ có thể khớp nối được giữa kế hoạch, khả năng cung cấp, tài trợ của các bên, qua đó, giúp tăng cường năng lực cho các nước, hướng tới một khu vực phát triển tài chính ổn định và bền vững.