Hội nghị lịch sử: Một tầm nhìn cho trăm năm phát triển

13/04/2025 - 03:25
(Bankviet.com) Buổi chiều ngày 12/4 sẽ đi vào lịch sử của Đảng ta, đất nước ta khi hội nghị Trung ương 11 - một hội nghị lịch sử với những quyết sách lịch sử vừa kết thúc.
Bế mạc hội nghị TƯ 11: Cả nước còn 34 tỉnh thành sau sáp nhập Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm bế mạc Hội nghị Trung ương 11

Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta”. “Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân...”.

Cuộc cách mạng hành chính chưa từng có

Trong lịch sử hơn 90 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 đã đánh dấu một “lằn ranh tư duy” về quản trị quốc gia: Từ phân mảnh sang tích hợp, từ bộ máy cồng kềnh sang tổ chức linh hoạt, sang phục vụ nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên khi Tổng Bí thư sử dụng cụm từ "quyết sách chiến lược chưa từng có" để nói về sáp nhập các đơn vị hành chính. Trong bối cảnh quốc tế đang chứng kiến làn sóng “siêu đô thị hóa”, phân bổ lại quyền lực vùng – địa phương, Việt Nam cần định hình lại không gian hành chính như một "hạ tầng mềm" thúc đẩy tăng trưởng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sáp nhập địa phương không chỉ đơn thuần là gộp địa giới hành chính. Đó là tư duy tổ chức lại không gian phát triển quốc gia – nơi mỗi đơn vị không chỉ là cấp quản lý, mà là đầu mối thực thi chiến lược phát triển. Cái khó nhất không phải là kỹ thuật lập bản đồ, mà là vượt qua lực cản tâm lý cục bộ, đặc quyền địa phương, và sự trì trệ của cơ chế “chia để quản”.

Đây cũng chính là kinh nghiệm mà nhiều nước trên thế giới đã thành công như hành động “tổ chức lại đất nước từ bản đồ hành chính” – giống như việc các chiến lược gia Trung Quốc từng đề xuất “xóa tỉnh lập vùng đại đô thị”; hay Nhật Bản chuyển các tỉnh thành vùng kinh tế tích hợp từ sau Thế chiến II.

Điểm mấu chốt trong bài phát biểu là khái niệm "bộ máy phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển", vượt xa mô hình quản trị “ngồi chờ xử lý văn bản”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trong kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng. Việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này được xây dựng trên tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước”.

Ôn cố tri tân trong lời Bác Hồ và Lê nin

Tư tưởng này vang vọng lại lý luận của Lê nin trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” viết cách đây hơn 100 năm. Trong bối cảnh bộ máy nhà nước còn nhiều tàn dư cũ, khi chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản (B) Nga lần thứ 12, thông qua “Thư gửi Đại hội”, Lê nin đã chú trọng giải quyết vấn đề này. Sau đó, Người yêu cầu bộ máy Nhà nước phải được tổ chức một cách hợp lý, không có bộ phận thừa, bộ phận thiếu, chồng chéo, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận. Lê nin nhấn mạnh: “... cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng”. Người đã nêu tóm tắt và khái quát những giải pháp chủ yếu và cụ thể để cải tổ bộ máy Nhà nước bằng một phương châm ngắn gọn: “Thà ít mà tốt”.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết sức quan tâm việc tinh gọn và nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, sao cho ít tầng nấc trung gian. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu luôn hết sức gọn nhẹ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà Chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Người cũng từng chỉ đạo xây dựng UBND các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Người nói rõ: “UBND (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương...”. Năm 1962, chúng ta tổ chức hệ thống chính trị theo mô hình Xô-viết, trong bài nói chuyện tại Hội nghị truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm (11-1-1962), Người chỉ rõ: “Từ các bộ, ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và ngày càng phình ra. Vì vậy, sinh ra quan liêu, lãng phí. Một nhược điểm nữa là từ các cơ quan Trung ương đến các địa phương chưa thật nhất trí, trên dưới chưa thật thông suốt, đang còn khuynh hướng cục bộ, bản vị…”.

Một câu chuyện lịch sử gợi cho chúng ta nhiều bài học khác chính là những chỉ đạo của Bác Hồ khi hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sáp nhập. Người đã đến dự và nói chuyện tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I tổ chức tại thị xã Bắc Giang ngày 17/10/1963. Người nói: “Ngày nay hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũng phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là do hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân mà tăng cường đoàn kết nhất trí”.

Từ thực tiễn lịch sử đã cho chúng ta minh chứng, đó là bài toán sáp nhập và tinh gọn không chỉ là tổ chức bộ máy, mà là tạo ra không gian phát triển mới, mô hình phát triển mới và xây dựng “chính quyền hiện đại”, như một hệ sinh thái dữ liệu, minh bạch, nhanh nhạy và hiệu quả. Trong không gian phát triển mới đó, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc đến yếu tố hết sức quan trọng là sự đoàn kết, nhất trí và hơn thế, Tổng Bí thư chỉ rõ mong muốn chúng ta sẽ có những mô hình “xã xã hội chủ nghĩa”, “tỉnh xã hội chủ nghĩa” – điều mà lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Không gian kinh tế - chính trị mới

Một tư tưởng lớn khác là cách Tổng Bí thư đề cập tới việc sáp nhập đi đôi với tái thiết không gian phát triển vùng: "Việc sắp xếp các đơn vị hành chính là điều chỉnh lại không gian phát triển kinh tế - xã hội, không gian chính trị, hành chính...”.

Đây là tư duy “hạt nhân hóa vùng” – mỗi vùng kinh tế trọng điểm được tái cơ cấu như một đơn vị liên kết chặt, tích hợp hệ thống hạ tầng – logistics – công nghệ – chính sách. Theo logic này, những vùng như Đông Nam Bộ hay Bắc Trung Bộ sẽ không còn bị “cắt khúc” bởi ranh giới hành chính tỉnh.

Nếu Đổi mới 1986 là bước “mở cửa nền kinh tế” thì có lẽ cuộc đổi mới hôm nay còn mở thêm những xa lộ phát triển, những không gian phát triển mới hơn, tăng tốc hơn, đàng hoàng hơn và to đẹp hơn... Đó cũng là “mở lối quản trị quốc gia hiện đại”. Cuộc sáp nhập địa phương không chỉ là cải cách kỹ thuật – nó là cải cách tư duy, cơ cấu lại năng lực điều hành quốc gia, tạo dư địa cho mô hình phát triển mới, chuẩn bị cho Đại hội XIV – nơi Việt Nam vạch lại bản đồ tương lai.

Mỗi quyết sách hôm nay phải nghĩ cho 100 năm sau. Lê nin cũng từng nói: “Các đặc tính của môi trường địa lý quy định sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Và chúng ta tin rằng, cuộc cách mạng bộ máy lần này sẽ phát huy tốt nhất đặc tính của môi trường địa lý, tạo nên một lực lượng sản xuất đột phá mới.

Nguyên Minh

Theo: Báo Công Thương