Hơn 30.000 doanh nghiệp tại Hà Nội chậm đóng bảo hiểm: Anh ngữ Apax dẫn đầu, Bất động sản Lanmark cũng góp mặt

18/12/2024 - 23:51
(Bankviet.com) "Hơn 30.000 doanh nghiệp tại Hà Nội chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thất nghiệp", theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội. Công ty CP Anh ngữ Apax dẫn đầu với khoản nợ gần 60,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Bất động sản Lanmark cũng góp mặt với khoản nợ 3,3 tỷ đồng cùng nhiều lần thế chấp tài sản.

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội vừa công bố danh sách 30.944 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Số liệu được thống kê đến ngày 30/11/2024. Đây là một trong những đợt công bố thông tin định kỳ, nhằm minh bạch hóa tình hình thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Hơn 30.000 doanh nghiệp tại Hà Nội chậm đóng bảo hiểm: Anh ngữ Apax dẫn đầu, Bất động sản Lanmark cũng góp mặt
Bất động sản Lanmark cũng nằm trong danh sách với khoản nợ bảo hiểm gần 3,3 tỷ đồng, kéo dài trong 10 tháng

Theo danh sách được công bố, Công ty CP Anh ngữ Apax tại quận Cầu Giấy là đơn vị dẫn đầu về số tiền chậm đóng bảo hiểm với tổng số nợ gần 60,2 tỷ đồng. Công ty này đã chậm đóng trong 57 tháng liên tiếp.

Đứng thứ hai trong danh sách là Công ty CP LILAMA 3 tại quận Bắc Từ Liêm, với thời gian chậm đóng kéo dài tới 117 tháng. Tổng số tiền nợ của doanh nghiệp này lên tới hơn 46,6 tỷ đồng.

Chi nhánh Công ty CP Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI tại huyện Mê Linh có thời gian chậm đóng dài nhất, lên tới 149 tháng. Số tiền nợ bảo hiểm của đơn vị này được ghi nhận hơn 25,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, danh sách cũng nêu tên một loạt doanh nghiệp lớn như Công ty CP Sông Đà 6, Công ty CP Eurowindow và Công ty TNHH May mặc VIT Garment, với số tiền nợ bảo hiểm dao động từ 16 tỷ đồng đến hơn 22 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bất động sản Lanmark cũng nằm trong danh sách với khoản nợ bảo hiểm gần 3,3 tỷ đồng, kéo dài trong 10 tháng.

Được biết, Lanmark là một trong những nhà thầu thi công nhiều dự án lớn của các chủ đầu tư như Tòa nhà Han Jardin, Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Ocean Park, và Vinhomes Riverside The Harmony. Công ty được thành lập năm 2007 theo Nghị quyết của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Lanmark có vốn điều lệ hơn 87,33 tỷ đồng, tăng so với mức 81,62 tỷ đồng vào tháng 10/2023. 100% vốn điều lệ hiện thuộc sở hữu tư nhân. Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) nắm giữ 27% cổ phần, tương đương giá trị góp vốn gần 19,5 tỷ đồng.

Lanmark hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, tư vấn thiết kế và thi công xây lắp. Người đại diện pháp luật hiện tại là ông Lê Trần Tuấn, sinh năm 1973, giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, việc chậm đóng bảo hiểm không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn có thể gây áp lực tài chính lên các doanh nghiệp khi phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hoặc bổ sung khoản chậm nộp. Danh sách công bố định kỳ nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động.

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán