Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì về việc Trung Quốc mở cửa? Bộ Ngoại giao luôn đồng hành cùng địa phương trong công tác hội nhập quốc tế Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ đánh bom tại thành phố Kerman, Iran |
Chiều 29/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ. Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã thông tin về kết quả Phiên họp cấp cao Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra vào ngày 26/2 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Tại Phiên họp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát biểu, sau hơn 75 năm thông qua Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, 30 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác. Bộ trưởng khẳng định, các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, Nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.
Tại Khóa 56 vào tháng 6 tới, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng chia sẻ, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019. Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Chiều 29/2 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức buổi họp báo thường kỳ |
Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về thông tin Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động tại bãi Tư Chính của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Theo đó, bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)".
"Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982" - bà Phạm Thu Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: "Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế".
Hoàng Giang