HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF do vi phạm báo cáo tài chính

18/02/2025 - 22:38
(Bankviet.com) HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF do vi phạm nghĩa vụ báo cáo tài chính. Năm 2024, KPF lỗ kỷ lục 277 tỷ đồng, kéo dài chuỗi quý không có doanh thu từ kinh doanh cốt lõi. Khoản phải thu lớn, trích lập dự phòng tăng mạnh khiến tình hình tài chính doanh nghiệp ngày càng đáng lo ngại.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF của Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji (HoSE: KPF), sau khi doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.

HoSE đình chỉ giao dịch cổ phiếu KPF do vi phạm báo cáo tài chính
Đầu tư Tài sản Koji (KPF) tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng tài chính

Trước đó, ngày 4/10/2024, HoSE đã đưa cổ phiếu KPF vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính quá 45 ngày. Tuy nhiên, đến nay, KPF vẫn chưa khắc phục vi phạm, dẫn đến việc HoSE phải thực hiện chuyển cổ phiếu KPF từ diện hạn chế sang đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.

Trước tình hình trên, ngày 21/1/2025, Đầu tư Tài sản Koji đã gửi văn bản báo cáo phương án khắc phục tình trạng cổ phiếu KPF bị cảnh báo. Theo doanh nghiệp, quý IV/2024 ghi nhận một số kết quả tài chính tích cực, bao gồm tiến triển trong thu hồi nợ vay và kỳ vọng lợi nhuận từ đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng lớn đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tạo áp lực lên báo cáo tài chính.

Theo kế hoạch khắc phục, giai đoạn 1 (quý I/2025 - quý III/2025), KPF dự kiến hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ và tái cơ cấu danh mục đầu tư để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn. Giai đoạn 2 (quý III/2025 - cuối năm 2025), công ty sẽ tái tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và triển khai các dự án tiềm năng nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông.

Dù đưa ra các kế hoạch khắc phục, kết quả kinh doanh của Koji tiếp tục kém khả quan. Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, đây là quý thứ bảy liên tiếp công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, kéo dài từ quý II/2023. Doanh thu tài chính của KPF cũng giảm mạnh 30%, chỉ đạt 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ việc cắt giảm chi phí hoạt động hơn 97%, xuống chỉ 1 tỷ đồng, KPF vẫn báo lãi ròng gần 7 tỷ đồng, đảo chiều sau hai quý thua lỗ liên tiếp. Cùng kỳ năm trước, công ty lỗ tới 26 tỷ đồng. Theo giải trình của KPF, lợi nhuận trong kỳ chủ yếu đến từ khoản dự thu lãi đầu tư trái phiếu, chứ không phải từ hoạt động kinh doanh chính.

Tính chung cả năm 2024, KPF không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, đồng thời lỗ ròng gần 277 tỷ đồng – mức lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận ròng của KPF từ năm 2012 đến 2023 chỉ đạt gần 267 tỷ đồng, tức chưa bằng khoản lỗ của riêng năm 2024. Cùng kỳ năm trước, công ty vẫn có lãi gần 2 tỷ đồng.

Khoản lỗ lớn kéo lỗ lũy kế của KPF lên gần 135 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Không chỉ vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp sụt giảm mạnh 34%, còn hơn 532 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là KPF tăng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 324 tỷ đồng, gấp 9,5 lần đầu năm.

Trong danh sách các khoản phải thu, đáng chú ý là hai cá nhân lớn đang nợ KPF là ông Nguyễn Khánh Toàn – người trùng tên với cựu Chủ tịch KPF bị khởi tố vì thao túng chứng khoán, đang nợ hơn 71 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thủy, nợ gần 24 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có khoản nợ lớn với KPF bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm tăng nợ từ 31 tỷ đồng lên 91 tỷ đồng. Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu nợ gần 80 tỷ đồng. Công ty CP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương nợ gần 57 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của KPF hiện vẫn nằm ở các khoản đầu tư tài chính, bao gồm trái phiếu và góp vốn vào các công ty khác, với tổng giá trị hơn 495 tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty tăng 21%, lên 16,5 tỷ đồng. Trong đó, khoản thuế và nghĩa vụ với Nhà nước gần 14 tỷ đồng. Khoản phải trả cho người lao động khoảng 2 tỷ đồng.

2 tháng sau biến cố bắt Chủ tịch, cổ phiếu KPF bất ngờ nổi sóng

Cổ phiếu KPF bất ngờ nổi sóng sau 2 tháng kể từ ngày cựu Chủ tịch KPF - ông Nguyễn Khánh Toàn bị khởi tố ...

Lý giải động thái bán tháo khiến cổ phiếu KPF bất ngờ nằm sàn

Phiên giao dịch sáng đầu tuần mới, cổ phiếu KPF của Đầu tư tài sản Koji bất ngờ bị bán tháo mạnh, khiến cổ phiếu ...

HOSE phạt hàng loạt mã cổ phiếu PSH, KPF, DAG... DLG có nguy cơ phải rời sàn

HoSE vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu PSH, DAG, SJF và KPF vào diện kiểm soát hoặc hạn chế giao dịch từ ngày 11/10 ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán