Phiên giao dịch ngày 10/2 chứng kiến sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu HPG khi mất 4,7% giá trị, đóng cửa ở mức 25.400 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức thấp nhất trong 4,5 tháng qua. Áp lực bán gia tăng mạnh mẽ, khiến vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) giảm hơn 8.000 tỷ đồng, xuống dưới 162.500 tỷ đồng. Việc cổ phiếu HPG mất giá kéo theo tài sản của Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long, giảm hơn 2.000 tỷ đồng, xuống còn gần 42.000 tỷ đồng. Ông Long hiện đang nắm 1,65 tỷ cổ phiếu HPG.
![]() |
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát |
Vợ ông Long, bà Vũ Thị Hiền, cũng chịu ảnh hưởng khi 440 triệu cổ phiếu HPG mà bà nắm giữ giảm hơn 550 tỷ đồng, còn khoảng 11.180 tỷ đồng. Con trai ông Long, ông Trần Vũ Minh, cũng chứng kiến tài sản giảm hơn 184 tỷ đồng, còn khoảng 3.733 tỷ đồng. Tổng cộng, sau cú lao dốc mạnh của HPG, gia đình ông Trần Đình Long mất gần 2.800 tỷ đồng giá trị tài sản chỉ sau một phiên giao dịch.
Phiên 10/2, khối lượng giao dịch của HPG đạt mức đột biến 61,1 triệu đơn vị, cao nhất từ cuối tháng 2/2024. Đáng chú ý, giao dịch mua chủ động chỉ đạt 15,9 triệu cổ phiếu, trong khi lực bán lên tới 35,6 triệu đơn vị, chiếm 59% tổng giao dịch.
Đặc biệt, trong phiên ATC, một lệnh "cá mập" đã bán hơn 8 triệu cổ phiếu HPG ở mức giá thấp nhất phiên, với tổng giá trị gần 205 tỷ đồng.
Sự lao dốc của HPG cũng kéo theo chỉ số VN-Index giảm 1,84 điểm, đóng góp phần lớn vào mức giảm 12 điểm của thị trường, kết phiên tại 1.263,4 điểm.
Cú sụt giảm của cổ phiếu HPG diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ ngày 9/2. Đây được xem là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thép Việt Nam có hoạt động xuất khẩu.
Trước đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp thuế quan "có qua có lại", tức áp thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ tương đương với mức thuế mà các nước đối tác đang áp dụng với Mỹ. Dù chưa nêu rõ các quốc gia bị ảnh hưởng, nhưng động thái này có thể tác động lớn đến các ngành xuất khẩu, trong đó có thép.
Cùng chiều với HPG, rất nhiều cổ phiếu ngành thép nói riêng và nguyên vật liệu nói chung cũng lao dốc sau pha "đánh tiếng" của ông Trump, điển hình có thể kể tới cổ phiếu HSG (-4,5%), NKG (-3,6%), VGS (-4,2%), SMC (-6,8%) hày GDA (-4,7%)...
Cổ phiếu của nhóm vận tải hàng hóa cũng diễn biến không mấy tích cực, chẳng hạn như VTP (giảm sàn), HAH (-3,5%), VSC (-3%), SCS (-2,9%), HVN (-3%), GMD (-1,4%), PHP (-9%).
Trở lại với HPG, năm 2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 140.560 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, đạt kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và vượt 20% kế hoạch năm.
Năm qua, Hòa Phát đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30% so với năm 2023. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%.
Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 4,48 triệu tấn, tăng 18% so với năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC sản xuất hơn 3 triệu tấn, tăng 5% với năm 2023.
![]() | Chọn cổ phiếu tiềm năng cho tháng đầu năm: HPG nhà Hòa Phát có thể gửi gắm? DPG, DXG và HPG là ba cổ phiếu tiềm năng được Chứng khoán BIDV khuyến nghị với mức tăng trưởng ấn tượng. DPG hưởng lợi ... |
![]() | Ngành thép được dự báo tăng trưởng mạnh, tiên phong gọi tên Hoà Phát, Hoa Sen Năm 2025, ngành thép Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng 10,6% nhờ đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của bất động sản. ... |
![]() | Khối ngoại tiếp tục xả ròng 447 tỷ đồng phiên đầu tuần 10/2, HPG dẫn đầu chiều bán Khối ngoại tiếp tục bán ròng 447 tỷ đồng phiên 10/2, cao hơn mức 351 tỷ đồng phiên trước. Các cổ phiếu chịu áp lực ... |
Nguyên Nam