HSBC: Thay đổi lớn sắp diễn ra trên thị trường tiêu dùng

17/09/2022 - 23:30
(Bankviet.com) Trong báo cáo “Thị trường tiêu dùng châu Á năm 2030” vừa công bố, Ngân hàng HSBC nhận định: Trong vài thập kỷ tới, thế giới, đặc biệt là châu Á, sẽ trải qua những thay đổi lớn về nhân khẩu học. Khu vực châu Á sẽ già hơn đáng kể, thịnh vượng hơn và quy mô hộ gia đình sẽ tiếp tục thu hẹp hơn.

Báo cáo cho biết, những thay đổi này dẫn đến sự dịch chuyển lớn trong cách người dân chi tiêu trên toàn châu Á. Nhưng đối với các nhà đầu tư vào mảng vốn chủ sở hữu, điều quan trọng là phải hiểu điều này tác động như thế nào đến các doanh nghiệp.

“Vì vậy, chúng ta cần tự hỏi người châu Á sẽ mua gì? Người tiêu dùng mới ở đâu? Liệu người Indonesia có chi tiêu nhiều hơn cho đồ nội thất so với người Ấn Độ hay ngược lại? Và khi dân số Trung Quốc già đi, người tiêu dùng nước này sẽ mua sắm gì?”, báo cáo của HSBC viết.

Nhà kinh tế học của HSBC - James Pomeroy, đã xây dựng một cơ sở dữ liệu nhân khẩu học độc quyền. Dựa trên cơ sở này, có thể trả lời những câu hỏi nêu trên một cách chi tiết. Cơ sở cho phép chúng ta liên hệ những thay đổi về nhân khẩu học, chẳng hạn như sự già hóa dân số, đến chi tiêu.

 

Hai biểu đồ trên cho thấy cách sử dụng cơ sở dữ liệu độc quyền này. Chúng hiển thị số người trong một nhóm thu nhập.

Chẳng hạn như trong trường hợp của Ấn Độ (Biểu đồ 3), số người chi tiêu 2-20 USD/ngày đang giảm mạnh (đó là các cột màu đen) và số người trong vùng màu xám chi tiêu 21-50 USD/ngày đang tăng lên nhanh chóng.

Ở Trung Quốc, nhiều người đang chuyển sang nhóm thu nhập cao, tức là những người chi tiêu trên 111 USD/ngày. Đó là vùng màu nâu ở trên cùng bên phải của Biểu đồ 4. Đến năm 2050, nhóm người tiêu dùng cao cấp này sẽ chiếm hơn 35% tổng dân số.

“Tóm lại, không phải “tầng lớp trung lưu đang gia tăng” mà chính “tầng lớp trung lưu cao” của châu Á sẽ làm thay đổi các thị trường tiêu dùng”, báo cáo của HSBC cho biết.

Theo HSBC, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cao là động lực thúc đẩy thị trường tiêu dùng. Ở châu Á, dân số thuộc tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 2,1% cho đến năm 2040 (ước tính) và “tầng lớp thượng trung lưu”, được định nghĩa là nhóm chi tiêu 51-110 USD/người/ngày, sẽ tăng gần gấp ba tốc độ đó ở mức 5,9%.

Số người trong nhóm cao nhất, chi tiêu hơn 110 USD mỗi ngày, dự kiến sẽ tăng từ 27 triệu vào năm 2021 lên 50 triệu vào năm 2030 (ước tính) và tăng vọt lên 164 triệu vào năm 2040 (ước tính). Khi đó, châu Á sẽ có nhiều dân thuộc nhóm thu nhập cao hơn so với châu Âu hoặc Mỹ.

So sánh các quốc gia trong khu vực, Bangladesh dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất trong các thị trường tiêu dùng ở thập kỷ hiện tại, tức là dân số kiếm được hơn 20 USD mỗi ngày tính theo PPP không đổi. Tiếp theo là Ấn Độ, Philippines, Việt Nam và Indonesia. Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chứng kiến sự sụt giảm về quy mô thị trường nói chung vào năm 2030 (ước tính).

Tuy nhiên, xét về quy mô, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế thống lĩnh là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người tiêu dùng vào năm 2030 (ước tính) và 820 triệu vào năm 2040 (ước tính).

Và số lượng người tiêu dùng ở Trung Quốc kiếm được hơn 50 USD mỗi ngày dự kiến sẽ đạt khoảng 420 triệu người vào năm 2030 (ước tính), tăng với mức tăng trưởng kép hàng năm là 8,4% trong khi Mỹ chỉ đạt 0,5% (cùng kỳ).

Ở Ấn Độ, tầng lớp trung lưu cao (nhóm người dân có thu nhập từ USD50-110 USD/ngày) dự kiến sẽ tăng trung bình 24%/năm cho đến năm 2030 (ước tính), còn ở Indonesia dự kiến tăng trưởng trung bình 13%/năm và ở Việt Nam dự kiến tăng trưởng trung bình 17%/năm trong cùng giai đoạn.

 

“Xét về tầng lớp trung lưu, Indonesia sẽ vượt qua Brazil trong thập kỷ tới và nước có bước tiến nhảy vọt là Bangladesh, lớn hơn Đức hoặc Vương quốc Anh vào năm 2030”, HSBC cho biết.

Khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ có nhu cầu mua sắm các mặt hàng khác nhau. Một cách điển hình, chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và quần áo (nhu yếu phẩm) giảm trong khi chi tiêu cho y tế, nghỉ ngơi và giải trí tăng lên. Câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu?

Cơ sở dữ liệu độc quyền của HSBC có thể đưa ra được con số cụ thể. Ví dụ, chi tiêu cho giải trí và vận tải dự kiến sẽ tăng nhanh nhất, ở mức hơn 7%/năm trong thập kỷ hiện tại. Ngược lại, chi tiêu cho thực phẩm dự kiến sẽ tăng trưởng thấp nhất, chỉ 5%/năm trong cùng giai đoạn.

 

Nhưng để nhìn thấy những hàm ý về đầu tư vốn chủ sở hữu, chúng ta cần chia nhỏ hơn nữa các ngành hàng. Thông qua phân tích, HSBC thấy rằng: Các ngành hàng như sản phẩm tài chính, giải trí, ô tô, thiết bị máy tính và dịch vụ gia dụng sẽ phát triển nhanh nhất trên toàn châu Á. Dịch vụ tài chính là hạng mục sẽ phát triển nhanh tại hầu hết các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, Ấn Độ cũng như Trung Quốc.

Ngược lại, tăng trưởng chi tiêu cho dịch vụ bưu chính, thực phẩm và nhu cầu năng lượng có thể chậm lại.

 

Thanh Hải -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ