Theo đó, để tiếp tục thực hiện giải pháp đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào 10h00 ngày mai (23/4). Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đủ điều kiện muốn tham gia đăng ký dự thầu và đặt cọc ngay trong ngày hôm nay.
Hình minh họa. |
Ngân hàng Nhà nước trước đó đã có thông báo sẽ đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC vào 10h00 sáng ngày 22/4 tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Giá khởi điểm 81,8 triệu đồng/lượng.
Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu, bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đấu thầu vàng phải đáp ứng điều kiện theo Thông tư 06/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Đến thời điểm này, khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Theo chuyên gia, nếu đấu thầu vàng diễn ra, lãi suất và tỷ giá đều sẽ bị ảnh hưởng. Vì đấu thầu vàng yêu cầu một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, gây ảnh hưởng đến tỷ giá và lãi suất, tác động mạnh đến thị trường tài chính.
Trên thị trường, mặc dù buổi đấu thầu vàng miếng sáng nay bị hủy, tuy nhiên giá vàng vẫn lao dốc rất mạnh. Cụ thể, tính đến thời điểm 11h00, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giảm 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm qua. Theo đó, doanh nghiệp này đang niêm yết ở mức 80,9 – 83,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó, vàng nhẫn SJC 9999 tại doanh nghiệp này cũng “bốc hơi” tới 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán, niêm yết ở mức 74,2 – 76,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra)
Trước đó, ngày 16/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Được biết, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Tại thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Năm 2013, việc đấu thầu vàng diễn ra khi giá vàng thế giới có xu hướng giảm. Song năm 2024, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định tổ chức đấu thầu vàng khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục tăng. Ngoài ra, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng đã nới rộng hơn nhiều so với 11 năm trước, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới đến 12 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 17/4/2024: Vàng “tuột dốc không phanh” sau tín hiệu bình ổn từ Nhà điều hành Giá vàng miếng SJC giảm mạnh không chỉ đến từ việc các nhà đầu tư có xu hướng chốt lời, mà nguyên nhân chính đến ... |
Giá vàng hôm nay 22/4/2024: “Giằng co” trước thềm đấu thầu vàng miếng Giá vàng trên thị trường thế giới vẫn được giới chuyên gia đánh giá rất lạc quan. Trong khi đó, giá vàng trong nước được ... |
Vân Anh