Vẫn giữ vị trí chủ lực trong danh mục SUV hạng C, thế nhưng thế hệ Hyundai Tucson 2026 lại đang khiến giới yêu xe toàn cầu phải ngỡ ngàng vì bước tiến vượt bậc: thay đổi ngôn ngữ thiết kế, loại bỏ hoàn toàn động cơ diesel, tích hợp trí tuệ nhân tạo AI và hứa hẹn mang lại trải nghiệm lái thông minh hơn cả Tesla.

Một trong những thay đổi mang tính cách mạng của Tucson 2026 chính là việc loại bỏ hoàn toàn động cơ diesel – vốn từng là "xương sống" tại nhiều thị trường châu Âu và châu Á. Thay vào đó, hãng tập trung hoàn toàn vào ba cấu hình: xăng truyền thống, hybrid bổ trợ và hybrid sạc điện (PHEV). Đáng chú ý, phiên bản PHEV mới có khả năng di chuyển tới 100km chỉ với năng lượng điện – thành tích ấn tượng ngang ngửa một số dòng xe thuần điện hiện nay.
Động thái này không chỉ giúp Tucson 2026 thân thiện hơn với môi trường, mà còn đưa Hyundai tiệm cận chiến lược phát triển xe điện toàn phần trong thập kỷ tới. Đây cũng là lời đáp trả gián tiếp dành cho các đối thủ lớn như Toyota RAV4 PHEV hay thậm chí là cả Land Cruiser Prado mới – nơi mà yếu tố tiết kiệm và khả năng off-road đang được người dùng cân nhắc kỹ hơn bao giờ hết.
Nếu như Tucson trước đây mang thiết kế mềm mại, hiện đại thì Tucson 2026 "đổi máu" hoàn toàn với ngôn ngữ thiết kế “Art of Steel” – được ví như bản giao hưởng giữa sức mạnh thép và nghệ thuật hình khối. Những đường gân nổi, cụm đèn pixel hình chữ H thẳng đứng gợi liên tưởng rõ rệt đến mẫu Santa Fe 2024, trong khi bộ khung tổng thể lại khiến người ta liên tưởng tới Land Rover Defender hay Toyota Land Cruiser Prado – mẫu xe vốn có giá gấp đôi Tucson.

Không đơn thuần là làm mới, Hyundai dường như đang "nâng cấp hình ảnh" của Tucson, đẩy mẫu SUV hạng C này tiến gần hơn với đẳng cấp của các SUV hạng D hay E về mặt thị giác.
Điểm nhấn công nghệ khác biệt nằm ở hệ điều hành mới Pleos OS – nền tảng mà Hyundai xác nhận sẽ phổ cập trên 20 triệu xe trước năm 2030. Pleos OS được phát triển từ Android Automotive OS, tuy nhiên Hyundai đã tùy biến lại hoàn toàn để tạo ra hệ thống giải trí Pleos Connect với giao diện đậm chất smartphone và khả năng cá nhân hóa thông qua hồ sơ người dùng Pleos ID.
Tuy nhiên, thứ khiến người dùng háo hức nhất chính là Gleo AI – trí tuệ nhân tạo tích hợp sâu vào hệ thống xe, cho phép điều khiển các tính năng nội thất bằng giọng nói. Điều này biến Tucson 2026 thành một không gian sống linh hoạt và "biết lắng nghe", điều chưa từng thấy trên các mẫu SUV phổ thông trong tầm giá dưới 700 triệu đồng.
Thêm vào đó, Hyundai khẳng định hệ điều hành này đủ mạnh để vận hành công nghệ tự lái cấp 4 – loại bỏ hoàn toàn sự can thiệp của người lái – có thể triển khai từ cuối năm 2027.
Với mức giá khởi điểm dự kiến 34 triệu won (khoảng 620 triệu đồng), Tucson 2026 không chỉ giữ được lợi thế về chi phí so với các đối thủ truyền thống như Mazda CX-5, Honda CR-V mà còn mở ra cánh cửa thách thức cả các mẫu SUV cao cấp như Peugeot 5008 hay Toyota Land Cruiser Prado bản tiêu chuẩn.
Sự kết hợp giữa thiết kế "ngoại hình hạng sang", nội thất tương lai, công nghệ AI thông minh và hệ truyền động điện hóa cao cấp khiến Tucson 2026 có thể trở thành một "trùm cuối" không chỉ trong phân khúc SUV hạng C, mà còn trong tâm trí của người dùng toàn cầu.