Trong báo cáo phát hành ngày 15/7 của JP Morgan, các chuyên gia lưu ý rằng, đồng USD yếu đi và lãi suất thấp hơn của Mỹ thông thường sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng, nhưng kể từ đầu năm 2022, mối quan hệ giữa vàng và lợi suất thực đã bị phá vỡ.
“Sự hồi sinh của vàng diễn ra sớm hơn dự kiến, vì nó dần tách biệt khỏi lợi suất thực”, ông Gregory Shearer, Trưởng phòng Chiến lược kim loại quý tại JP Morgan, cho biết. “Về mặt cấu trúc, chúng tôi đã dự báo vàng có xu hướng tăng giá kể từ quý IV/2022, với giá vàng tăng vọt qua mức 2.400 USD vào tháng 4/2024, tuy nhiên đợt tăng giá diễn ra sớm hơn và mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Điều này đặc biệt bất ngờ vì trùng với thời điểm định giá cho đợt cắt giảm lãi suất tới đây của FED và lợi suất thực trái phiếu của Mỹ tăng cao hơn do dữ liệu lao động và lạm phát mạnh hơn ở Mỹ”.
Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, lệnh trừng phạt gia tăng và phi đô la hóa, nhu cầu mua tài sản thực bao gồm vàng ngày càng tăng. Dữ liệu gần đây cũng cho thấy, dù thu lợi từ việc giá tăng mạnh nhưng những người nắm giữ vàng vật chất vẫn miễn cưỡng trong việc bán vàng. Điều này nhấn mạnh các động lực tăng giá của vàng bất chấp xu hướng lợi suất thực của trái phiếu kho bạc Mỹ.
Với việc giá vàng đang ở mức cao nhất mọi thời đại, JP Morgan nhận thấy tiềm năng lớn hơn nữa cho kim loại màu vàng này khi lãi suất tại Mỹ bắt đầu giảm.
Bà Natasha Kaneva, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa Toàn cầu tại JP Morgan, cho biết, có nhiều động lực tăng giá của loại tài sản thực như vàng - bao gồm mối lo ngại về thâm hụt tài chính của Mỹ, sự đa dạng hóa dự trữ vàng của ngân hàng trung ương, phòng ngừa lạm phát và bối cảnh địa chính trị căng thẳng - đã đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới trong năm nay, mặc dù đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn. Có khả năng xu hướng này sẽ vẫn giữ nguyên bất kể kết quả bầu cử Mỹ vào mùa thu năm nay như thế nào.
Báo cáo cho biết, bất kỳ sự thoái lui nào trong những tháng tới sẽ mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội bắt đầu định vị để củng cố vị thế trước khi FED dự kiến cắt giảm lãi suất.
Theo ước tính mới nhất của JP Morgan Research, giá vàng có thể đạt mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm 2024. Các ước tính mới dựa trên giả định chu kỳ cắt giảm lãi suất của FED sẽ bắt đầu vào tháng 11, trong khi thị trường dự đoán là tháng 9. Dự đoán này cũng dựa trên dự báo kinh tế mới nhất của JP Morgan, theo đó lạm phát cơ bản của Mỹ dự kiến giảm xuống còn 3,5% vào năm 2024 và 2,6% vào năm 2025.
Ngoài sự đảo ngược giá vàng trung bình trong ngắn hạn, rủi ro giảm giá lớn nhất đối với kim loại màu vàng là nếu FED trở nên quyết liệt hơn trong vấn đề mục tiêu lạm phát.
Công ty cũng kỳ vọng nhu cầu mua vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục suốt năm 2024; đồng thời lưu ý rằng, dữ liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, 290 tấn vàng đã được mua ròng trong quý I/2024, là quý mua mạnh thứ 4 kể từ khi làn sóng mua vàng bắt đầu vào năm 2022.
Báo cáo cho biết, con số này cũng cao hơn khoảng 36% so với tốc độ theo quý (khoảng 213 tấn), bởi ước tính trung bình hằng năm của JP Morgan Research là 850 tấn vào năm 2024. Mức tăng 70 tấn trong lượng mua ròng so với quý IV/2023 cũng diễn ra bất chấp mức tăng 5% theo quý của giá vàng.
JP Morgan cũng nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào thị trường vàng vật chất như yếu tố chính thúc đẩy đà tăng giá vàng trong tương lai.
“Tổng lượng vàng mà ETF nắm giữ đã giảm đều đặn kể từ giữa năm 2022, lượng vàng tại kho vàng London nắm giữ cũng vậy, vì nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng thực tế đã bù đắp cho dòng tiền chảy ra của ETF”, báo cáo lưu ý. “Việc kéo dài lượng vàng nắm giữ ETF của nhà đầu tư do chu kỳ cắt giảm bắt đầu có thể nhanh chóng thắt chặt thị trường vàng và dự kiến sẽ có tác động tích cực đến vàng thỏi và hỗ trợ giá tăng trong nửa cuối năm 2024”.
Minh Ngọc