Lên đỉnh doanh thu nhưng lợi nhuận thấp kỷ lục
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) được thành lập từ năm 1993, là một doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh hóa chất, hạt giống, bao bì giấy và chế biến gạo phục vụ xuất khẩu. Công ty chiếm hơn 20% thị phần thuốc bảo vệ thực vật và đứng thứ hai tại Việt Nam về phân phối hạt giống.
Trong giai đoạn 2014 - 2019, kết quả kinh doanh của Lộc Trời tương đối khả quan với doanh dao động từ 7.700 đến 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt từ 300 đến 500 tỷ đồng mỗi năm.
Đến năm 2020, ông Nguyễn Duy Thuận chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của Lộc Trời, trong năm này doanh thu của Lộc Trời giảm gần 10% so với cùng kỳ, chỉ còn 7.506 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 10%, đạt 369 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Lộc Trời thời CEO Nguyễn Duy Thuận. |
Từ năm 2021 đến năm 2023, Lộc Trời đạt doanh thu tăng vượt trội, chính thức vượt mốc 10.000 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2023 với hơn 16.088 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trong năm này lại rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng, lao dốc tới 96% so với năm 2022. Theo công ty, sự sụt giảm mạnh này là do chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng, đặc biệt là dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Lộc Trời là việc chấm dứt hợp tác với Syngenta - đối tác chiến lược lâu năm trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật. Syngenta sau đó đã hợp tác với đối thủ cạnh tranh của Lộc Trời là Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFG), giúp VFG tăng trưởng vượt bậc cả về doanh thu và lợi nhuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, ông Thuận đã trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của việc kết thúc hợp tác với Syngenta. Ông khẳng định tầm nhìn dài hạn của công ty và kêu gọi cổ đông tin tưởng vào Lộc Trời. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, ông Thuận bất ngờ rời vị trí Tổng Giám đốc, gây ra nhiều phẫn nộ đối với nhà đầu tư khi còn ra đi trước cả cổ đông.
Bước sang năm 2024, tình hình kinh doanh của Lộc Trời tiếp ghi nhận những tín hiệu đáng buốn khi kết thúc quý I, công ty báo lỗ sau thuế hơn 96 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Lộc Trời vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II với lý do gặp sự cố bất khả kháng liên quan đến dòng vốn sản xuất kinh doanh.
Trong các kỳ ĐHĐCĐ gần đây, chủ đề hoạt động kinh doanh của công ty luôn là vấn đề “nóng” được cổ đông quan tâm trong bối cảnh công ty này phải chứng kiến giai đoạn sa sút trầm trọng.
Năm 2024, công ty chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn gấp 3,1 lần so với năm 2023.
Một trong những điểm đáng chú ý tại ĐHĐCĐ 2024 là việc HĐQT đề xuất ba phương án huy động vốn dài hạn, bao gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi và khoản vay chuyển đổi thành cổ phần, với kỳ vọng huy động từ 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các tờ trình này đã không được thông qua và sẽ được HĐQT tối ưu lại trước khi trình lại trong các cuộc họp sau.
Về quy mô tài sản, từ năm 2019 trở đi, tổng tài sản của Lộc Trời tăng mạnh, vượt 11.000 tỷ đồng vào năm 2023 và ghi nhận mức 11.900 tỷ đồng vào cuối quý I/2024. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty cũng tăng cao, chiếm 75% tổng tài sản, với tổng nợ vay 6.327 tỷ đồng. Các khoản vay này chủ yếu từ các ngân hàng trong và ngoài nước, với lãi suất từ 4,5% đến 10%/năm, gần như đều là vay tín chấp và có thời gian đáo hạn trong năm nay.
Đáng chú ý, khoản nợ lớn nhất của Lộc Trời là từ Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà (1.063 tỷ đồng, lãi suất 9%/năm), tiếp theo là Ngân hàng TPBank (768 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm), và Malayan Banking Berhad (746 tỷ đồng, lãi suất 7,4%/năm). Tổng số tiền lãi mà công ty phải trả trong quý I/2024 là gần 127 tỷ đồng.
Những khó khăn kể trên đã khiến Lộc Trời đã phải thay đổi kế hoạch chi trả cổ tức từ tiền mặt sang cổ phiếu với tỷ lệ 30% trong giai đoạn 2023-2025.
Lý do đằng sau của sự ra đi
Nói thêm về biến động nhận sự cấp cao tại Lộc Trời thời gian gần đây, một loạt lãnh đạo tập đoàn đã lần lượt xin từ nhiệm. Gần đây nhất là ông Tiêu Phước Thạnh, Thành viên Ban kiểm soát, xin từ chức với lý do cá nhân.
Với việc ông Thạnh từ nhiệm, Ban kiểm soát của Lộc Trời hiện chỉ còn duy nhất Trưởng ban Uday Krishna. Trước đó, bà Nguyễn Thị Thúy, một Thành viên Ban kiểm soát khác cũng đã xin từ nhiệm.
Cùng thời điểm, tại Hội đồng Quản trị, ông Johan Sven Richard Bode, người mới được bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 cách đây hai tháng, cũng đã nộp đơn từ chức với lý do cá nhân.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc của Lộc Trời, đã bị HĐQT miễn nhiệm từ tháng 7. Hiện tại, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, tạm thời đảm nhiệm việc điều hành công ty cho đến khi bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.
Đáng nói, ngày 23/9 vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã gửi công văn số 4902/VPUBND-NC tới Công an tỉnh liên quan đến ông Nguyễn Duy Thuận. Theo công văn này, Lộc Trời đã có đơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn hành vi của ông Thuận, với cáo buộc gian dối và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản cho công ty. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước đã chuyển vụ việc đến Công an tỉnh để xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Từ vụ việc này, lý do mà nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận cũng đang dần được hé lộ.
Cổ phiếu ngân hàng ngát xanh, kết quả kinh doanh quý 3 của ngành có ổn? Cổ phiếu ngân hàng động loạt bứt tốc, phủ kín sắc xanh toàn ngành phiên sáng ngày 3/10, và kết quả kinh doanh quý 3 ... |
Nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận bị cáo buộc gây thất thoát tài sản Lộc Trời cáo buộc nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Thuận có hành vi gian dối, gây thất thoát tài sản của công ty. Công ... |
Phạm Hường