Khái niệm và những giai đoạn của chu kỳ kinh tế

22/09/2022 - 17:12
(Bankviet.com) Hiểu về chu kỳ kinh tế sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn. Vậy chu kỳ kinh tế là gì? Nên đầu tư theo chu kỳ kinh tế như thế nào? Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Chu kỳ kinh tế là gì?

Chu kỳ kinh tế, hay còn gọi là chu kỳ kinh doanh, là khái niệm dùng để chỉ sự biến động của GDP thực tế. Sự biến động này tạo thành một chu kỳ gồm các giai đoạn: suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. GDP được viết tắt từ Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội được sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định. GDP thực tế là tổng sản phẩm quốc nội đã qua điều chỉnh lạm phát.

Những giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Thông thường người ta thường chia ra thành 4 giai đoạn:

Khái niệm và những giai đoạn của chu kỳ kinh tế
Những giai đoạn của chu kỳ kinh tế

Giai đoạn suy thoái (recession): Đây là thời điểm nền kinh tế bắt đầu đi xuống. Sản lượng hàng hóa suy giảm, doanh nghiệp cắt bớt số lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Lãi tín dụng bị siết chặt dẫn đến chi phí tài chính tăng vọt, trong khi đó doanh thu không thể tăng lên. Hậu quả dẫn đến GDP sụt giảm.

Giai đoạn đáy chu kỳ kinh tế (trough): Tại thời kỳ này, nền kinh tế giảm sút tới mức vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ bắt đầu các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, ví dụ như giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nguồn tiền được bơm vào nền kinh tế khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng chi tiêu.

Giai đoạn phục hồi (recovery): Nhờ vào những nỗ lực cứu vãn trước đó, nền kinh tế bắt đầu dần hồi phục. Lúc này, ngân hàng sẽ tăng mức lãi suất vay vốn, mức tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Sản lượng và công suất sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Điều này dẫn đến doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nhiều hơn trước.

Giai đoạn đỉnh chu kỳ kinh tế (peak): Trong giai đoạn này, GDP vẫn tiếp tục tăng nhưng đã chậm hơn so với các giai đoạn trước do đã đạt đỉnh. Đây cũng là thời kỳ lạm phát tăng nhanh. Doanh nghiệp không còn tuyển dụng thêm người lao động nhiều như trước. Khi GDP tăng tới đỉnh, đồng tiền mất giá quá nhiều do lạm phát, nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khủng hoảng và bước vào giai đoạn suy thoái, bắt đầu bước vào chu kỳ mới.

Nguyên nhân của chu kỳ kinh tế

Theo nhà sử học và kinh tế chính trị Sismondi, đây là kết quả tự nhiên của các yếu tố thị trường. Sản xuất dư thừa và tiêu dùng thấp, hay còn có thể được hiểu đơn giản hơn là cung lớn hơn cầu, được cho là nguyên nhân gây ra chu kỳ kinh tế. Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến việc này diễn ra theo quy trình sau:

Ở giai đoạn hưng thịnh của chu kỳ trước, các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Từ đó, lượng hàng hóa sản xuất được tăng lên. Bên cạnh đó, mức thu nhập của người lao động cũng tăng tỷ lệ thuận với khả năng sản xuất của doanh nghiệp, mức chi tiêu cũng được nâng cao. Các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển và đạt khả năng mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, đến một mức độ nhất định, lượng sản phẩm được sản xuất sẽ vượt quá nhu cầu của thị trường. Lúc này, cung nhiều hơn cầu, các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất và nhân lực để giảm bớt chi phí sản xuất. Thu nhập giảm, mức chi tiêu của thị trường cũng giảm theo tỷ lệ thuận. Đây là nhân tố dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế và bắt đầu chu kỳ mới.

Ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế

Ảnh hưởng của chu kỳ này trong kinh tế dễ nhận thấy nhất ở pha suy thoái. Khi xảy ra suy thoái, các hoạt động kinh tế bị đình trệ rõ rệt, sản lượng sản xuất suy giảm. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp vào giai đoạn suy thoái kinh tế cũng cao hơn so với bình thường. Có thể nói, pha suy thoái mang đến các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế.

Ngược lại, pha phục hồi mang đến các ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế. Sản lượng sản xuất tăng cao, các hoạt động kinh tế được diễn ra nhộn nhịp. Ở giai đoạn phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp trong thị trường được giảm xuống do nhu cầu về nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp tăng cao. Mức thu nhập và chi tiêu của người lao động lúc này được cải thiện tích cực.

Dự báo chu kỳ kinh tế

Các chuyên gia kinh tế đã không ngừng nghiên cứu và xây dựng các biện pháp và công cụ dự báo sự biến động của nền kinh tế. Dù chưa có công thức và phương pháp nào có thể dự báo chính xác được chu kỳ này, song các mô hình và công thức có tính chất dự báo dần được xây dựng. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các mô hình kinh tế lượng phức tạp đã được xây dựng.

Với rất nhiều biến số và hệ phương trình, các mô hình kinh tế lượng được nhận xét có khả năng dự báo chu kỳ kinh tế khá cao. Tiên phong trong sự phát triển của các công cụ dự báo này có thể kể đến những cái tên nổi tiếng như: Jan Tinbergen (Giải Nobel 1969) và Lawrence Klein (Nobel 1980). Qua thời gian, thao tác dự báo chu kỳ này đạt độ chính xác cao hơn dù không đạt mức tuyệt đối.

Diệp Quỳnh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán