Thúc đẩy dữ liệu số và liên kết vùng trong chuyển đổi số Công nghệ số và dữ liệu số: Công cụ đột phá kinh tế số TP. Hồ Chí Minh Để dữ liệu trở thành “bệ phóng” chứ đừng là “đầm lầy” |
Tại Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 khẳng định, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh triển khai |
Đặc biệt, năm 2024, tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Trong đó, về phát triển dữ liệu số, đã có bước tiến vượt bậc, từ cơ sở pháp lý đến triển khai thực tế, với việc ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Luật giao dịch điện tử năm 2023 và Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia… Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, đảm bảo định hướng dữ liệu trong cơ quan nhà nước thống nhất, phân cấp và được quản lý.
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư đã hoàn thiện và cung cấp dữ liệu rộng rãi phục vụ cải cách hành chính. CSDL quốc gia về đất đai đã thực hiện được 455/705 đơn vị cấp huyện và đang từng bước được lấp đầy.
Trước năm 2020 các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ sở dữ liệu còn manh mún thì đến năm 2024 hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoạch định rõ và ban hành danh mục CSDL dùng chung của mình với tổng số gần 3000 cơ sở dữ liệu.
Năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu là 11,5 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, thì đến năm 2024, trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia ghi nhận: 95 đầu mối kết nối của các cơ quan, đơn vị. Tổng giao dịch trong năm 2024 đến thời điểm hiện tại (16/7/2024) là 533 triệu (bằng 85% tổng số giao dịch năm 2023); luỹ kế là 2,3 tỷ giao dịch.
Về nền tảng số/hệ thống thông tin cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ về chất. Trước năm 2020, chỉ triển khai các hệ thống thông tin rời rạc thì đến nay, các hệ thống thông tin đã được chuyển đổi thành nền tảng mở để triển khai rộng rãi tới địa phương và có khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu.
Nếu năm 2020 chưa có hệ thống thông tin nào kết nối tới nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia thì đến nay đã có 29 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ và 95 đầu mối kết nối để khai thác dịch vụ được chia sẻ. Hầu hết toàn bộ các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng LGSP để chia sẻ dữ liệu nội bộ.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.
Điển hình như CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp, đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối...
Năm 2023, Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam tăng 10 bậc về dữ liệu mở so với năm 2020. Năm 2022, tổ chức quốc tế Open Data Watch đánh giá, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam đứng thứ 80 trên thế giới, tăng 11 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 91 thế giới). Đặc biệt, chỉ số thành phần về độ phủ dữ liệu mở tăng vượt bậc với thứ hạng 81 trên thế giới, tăng 41 bậc (từ vị trí 122) và thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, tăng 3 bậc (từ vị trí 9).
Theo đó, mục tiêu trong thời gian tới, mỗi ngành, lĩnh vực lựa chọn xây dựng từ 3 - 5 bộ dữ liệu (dataset) chất lượng cao. Đồng thời, mỗi ngành, lĩnh vực lựa chọn và công bố các kịch bản khai thác, sử dụng dữ liệu nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn dữ liệu trong quá trình khai thác, sử dụng.
Về giải pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, các danh mục lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, quy định về dữ liệu phi danh tính để thúc đẩy lưu chuyển dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực; xây dựng, trình ban hành hướng dẫn mở dữ liệu của cơ quan nhà nước để các cơ quan chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu mà không còn lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.
Cùng với đó, xây dựng bộ công cụ đánh giá về mức độ trưởng thành của dữ liệu; đánh giá hàng năm về chất lượng dữ liệu mở của các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng, ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung tâm dữ liệu (Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, Trung tâm dữ liệu ngành) để phục vụ vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia. Xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các danh mục lưu trữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu, các quy định về dữ liệu phi danh tính.
Xây dựng Khung quản trị dữ liệu, kiến trúc dữ liệu và các mục từ điển dữ liệu và bổ sung vào Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam những phiên bản tiếp theo; lựa chọn một địa phương để xây dựng mô hình mẫu. Sau khi thành công sẽ triển khai nhân rộng.
Về phía các Bộ, ngành, địa phương, mỗi Bộ, ngành, địa phương cần xây dựng từ 3-5 bộ dữ liệu (datasets) chất lượng cao; xây dựng 5 kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc kết nối liên thông, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với các hệ thống dịch vụ công và khai thác sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, xuất nhập cảnh; thực hiện công tác bảo vệ dữ liệu, bảo đảm an ninh dữ liệu. Mở rộng cung cấp ít nhất 10 dịch vụ tiện ích trên ứng dụng VNeID.
Về phía doanh nghiệp, tư vấn cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các CSDL dùng chung hiệu quả, chất lượng và bảo đảm dự phòng trong mọi tình huống; phát triển các dịch vụ bảo mật dữ liệu dựa trên đám mây để cải thiện hiệu quả mức độ bảo mật dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.