Khánh Hòa: Sẽ sắp xếp, sáp nhập nhiều trường giáo dục công lập

19/09/2023 - 02:04
(Bankviet.com) UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kế hoạch sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì? Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ như thế nào?

Trường giáo dục công lập giảm 10%

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022-2025 (từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026), số lượng đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm 10% trở lên so với tổng số đơn vị sự nghiệp toàn ngành và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường THCS Trưng Vương sẽ thành trường THPT-THCS Trưng Vương (thành phố Nha Trang).
Trường THCS Trưng Vương sẽ thành trường THPT-THCS Trưng Vương (thành phố Nha Trang)

Theo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa, việc sắp xếp, sáp nhập các trường nhằm tinh gọn bộ máy; bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp vị trí việc làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

Nguyên tắc sắp xếp, đối với cấp mầm non (MN), tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) công lập, mỗi địa bàn cấp xã chỉ tổ chức 1 trường và các điểm trường trực thuộc nếu có cho mỗi cấp học. Những địa bàn có số lượng lớp, trường vượt quá định mức tối đa hoặc nếu sáp nhập sẽ vượt quá định mức thì cho phép tổ chức 2 trường nhưng phải đảm bảo số lượng trường học tương đương với số đơn vị hành chính.

Nhiều trường lớn bị sáp nhập

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, đầu năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có 491 cơ sở giáo dục công lập, trong đó trực thuộc Sở có 34 đơn vị.

Sau khi sắp xếp, mạng lưới cơ sở giáo dục trực thuộc Sở tăng 3 cơ sở: đến năm học 2025-2026 giảm 2 trung tâm cấp tỉnh; tăng 5 trường liên cấp THCS và trung học phổ thông (THPT). Tổng số đơn vị sau sắp xếp là 37 đơn vị.

Cụ thể, phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sẽ giữ nguyên các trường THPT, trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh gồm 28 trường.

Trước đó, trong năm học 2022-2023 đã hoàn thành hợp nhất trường Bổ túc Trung học Nha Trang 2, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp Khánh Hòa và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Nha Trang thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang.

Còn trong năm học 2024-2025, sẽ sáp nhật Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nha Trang vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (TP Nha Trang).

Cùng với đó, thành lập trường THCS và THPT Tô Hiến Thành trên cơ sở sáp nhập trường THCS Tô Hiến Thành và dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Ninh Sim (TX Ninh Hòa); thành lập trường THCS và THPT Lương Thế Vinh trên cơ sở sáp nhập trường THCS Lương Thế Vinh và dự án đầu tư xây dựng trường THPT Bắc Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh); thành lập trường THCS và THPT Tây Bắc Diên Khánh trên cơ sở sáp nhập trường THCS Đinh Bộ Lĩnh và dự án đầu tư xây dựng trường THPT Tây Bắc Diên Khánh (huyện Diên Khánh); thành lập trường THCS&THPT Nam Cam Ranh (TP Cam Ranh) trên cơ sở sáp nhập trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai vào dự án trường THPT Nam Cam Ranh.

Trong năm học 2025-2026, thành lập trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân trên cơ sở sáp nhập trường THCS Nguyễn Viết Xuân và dự án đầu tư xây dựng trường THPT Vĩnh Lương (TP Nha Trang).

Về đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tính đến cuối năm học 2022-2023 có 457 đơn vị. Sau sắp xếp, giảm 69 đơn vị, chỉ còn 388 đơn vị vào đầu năm học 2025-2026.

Trong đó, thành phố Nha Trang tính đến đầu năm học 2022-2023 có 107 trường, đề xuất sắp xếp giảm 11 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 7 trường THCS; đồng thời tăng 5 trường TH-THCS do sáp nhập với các trường TH và THCS trên địa bàn. Sau khi thực hiện sắp xếp dự kiến giảm 22 đơn vị, trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh, sắp xếp để phù hợp.

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương