Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang có xu hướng đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và lạm phát vẫn đang ở mức cao, tạo những áp lực đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán. Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức định giá bị chiết khấu khá lớn so với các nước trong khu vực, bất chấp ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn, tạo dư địa lớn cho tăng trưởng vốn hóa và thanh khoản.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, Đồng thời cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp sự hoành hành của đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á”, công ty quản lý tài sản CSOP Asset Management đánh giá.
Tuy nhiên, trước mắt, bối cảnh vĩ mô còn nhiều gam màu tối, vì vậy các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần xác định chiến lược phù hợp. Đặc biệt, cần xác định chu kỳ tiền rẻ đã qua đi và nên xây dựng chiến lược đầu tư trong môi trường lãi suất tăng cao.
Thông thường, khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, các chuyên gia thường khuyến nghị tích lũy cổ phiếu, tạo “vị thế” khi những khó khăn và rủi ro qua đi, thị trường vào giai đoạn tăng trưởng. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, việc xác định thị trường đã điều chỉnh xong hay chưa để có thể tích lũy tài sản là điều rất khó, ngay cả chuyên gia cũng phải thừa nhận điều này.
Theo Giám đốc Khối Phân tích của VnDirect, một trong số những chiến lược mà các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới thường hay khuyên, đó là tích lũy tài sản theo từng phần và mua một tài sản có đủ biên an toàn. Biên an toàn có nghĩa là mua ở một giá trị thấp hơn so với giá trị nội tại của tài sản đó.
“Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cũng nên tích lũy dần dần và lựa chọn những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn so với giá trị nội tại của doanh nghiệp. Từ những khảo sát ở trong quá khứ, trong những giai đoạn khó khăn như thế này, những ngành thường có diễn biến tích cực hơn so với diễn biến chung của thị trường là những ngành tiêu dùng thiết yếu, điện, nước hoặc là năng lượng, hoặc là những nhóm doanh nghiệp có chi trả cổ tức cao”, bà Hiền lưu ý.
Về tầm nhìn dài hạn, theo Chứng khoán SHS thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý III/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện tốt hơn mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Tương tự, Chứng khoán Yuanta cho rằng, thanh khoản vẫn suy yếu và lực cầu gia tăng chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn đang bi quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sẽ xảy ra rung lắc mạnh hơn khi VN-Index đối diện với vùng cản 1.227 - 1.230 điểm. Vì vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro và giữ tỷ trọng danh mục ở trạng thái an toàn.
Và cuối cùng, nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ kỷ luật trong khi mua bán cổ phiếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là một chiến lược nhà đầu tư cần lưu tâm. Đó là mua cổ phiếu vì lý do gì thì sẽ bán đi vì lý do đấy. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến việc quản trị những rủi ro về danh mục, tức là sử dụng đòn bẩy như thế nào cho hợp lý và phải cân bằng đối với những rủi ro có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Nguyên Nam