Bà Vũ Thị Thuý - vợ “đại gia” của ca sỹ Khánh Phương sở hữu một hệ sinh thái doanh nghiệp rộng lớn. |
Giữa tháng 6/2023, sau một báo cáo giao dịch cổ phiếu SJC của ông Phạm Khánh Phương - người thường được biết đến với nghệ danh “ca sỹ Khánh Phương”, mối quan hệ giữa giọng ca “Chiếc khăn gió ấm” và bà Vũ Thị Thuý - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà 1.01 đã được hé lộ.
Không nhiều người khi đó biết rằng, nữ doanh nhân sinh năm 1983 lại chính là vợ của nam ca sỹ Khánh Phương.
Dư luận còn chưa hết xôn xao, cái tên Vũ Thị Thuý lại tiếp tục nổi song khi đầu tháng 7, xuất hiện hàng trăm nhà đầu tư tập trung tại một doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” Nhật Nam của nữ doanh nhân này để yêu cầu hoàn trả lợi nhuận, số tiền đã đầu tư. Điều đó dẫn đến những sự biến động thiếu tích cực của Sông Đà 1.01 - doanh nghiệp đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Trước khi được biết đến với tư cách là vợ ca sỹ Khánh Phương, bà Vũ Thị Thuý khá kín tiếng trước công chúng. Lần hiếm hoi nữ doanh nhân này trả lời phỏng vấn báo chí là vào năm 2021, trên cương vị Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Bất động sản Nhật Nam).
Khi đó, bà Thuý từng chia sẻ mình xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. Trước khi đến với bất động sản, nữ doanh nhân này từng mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Thanh Hoá. Trong lần lên sóng này, bà Thuý được mô tả là người “sở hữu trong tay khối tài sản bất động sản trải dài khắp ba miền đất nước, điều hành doanh nghiệp với vốn điều lệ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng cùng hàng nghìn nhân viên và nhà hợp tác kinh doanh”.
Sau khi rót tiền mua cổ phiếu SJC và được bầu làm Chủ tịch HĐQT Sông Đà 1.01 vào cuối năm 2022, dư luận mới có cơ hội tiếp cận thêm các thông tin về nữ đại gia này. Từ tư cách là "bà xã" của ca sỹ Khánh Phương, hệ sinh thái của bà Vũ Thị Thúy tiếp tục được vén màn, với hai pháp nhân "mới toanh" là Công ty CP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam và Công ty CP Sông Đà Invest.
“Hệ sinh thái” của bà Vũ Thị Thuý và phu quân - nam ca sỹ Khánh Phương. |
Theo tìm hiểu, Sông Đà Invest mới được thành lập vào tháng 2/2023, vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: bà Vũ Thị Thúy (98%), ông Trần Văn Đức (1%) và ông Bùi Văn Nam (1%).
Còn về Sông Đà Nhật Nam, Tập đoàn này được thành lập vào tháng 11/2022 với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là bà Thuý, góp 450 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là ông Phạm Văn Tuyên và Trịnh Văn Tôn, mỗi người sở hữu 5% vốn điều lệ.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, Sông Đà Nhật Nam được thành lập từ sự hợp nhất của Bất động sản Nhật Nam và Sông Đà 1.01. Với việc nắm giữ số cổ phần chi phối (hơn 51%) tại Sông Đà 1.01, doanh nghiệp này đã trở thành chủ sở hữu, chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: Tòa cao ốc Hà Nội Landmark 51 (Số 55 Vạn Phúc, Hà Đông), Dự án EcoGreen (Số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai); Chung cư Hemisco và Tòa nhà CT1 (Văn Khê, Hà Đông)…
Nói thêm về Bất động sản Nhật Nam - “một nửa” cấu thành nên Sông Đà Nhật Nam, đây chính là doanh nghiệp “làm nên tên tuổi” của bà Vũ Thị Thuý. Năm 2019, sau gần 1 tháng thành lập, Bất động sản Nhật Nam chuyển mô hình từ TNHH sang cổ phần, tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập là bà Vũ Thị Thúy, ông Mai Thanh Tùng (thông tin ghi nhận tại thời điểm đó là chồng của bà Vũ Thị Thuý) và ông Vũ Đức Tại với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50%, 25% và 25%.
Tại doanh nghiệp này, bà Vũ Thị Thuý giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Theo lời tự giới thiệu của doanh nghiệp, doanh thu của Bất động sản Nhật Nam đến từ hệ sinh thái đa dạng gồm các chuỗi nhà hàng, cà phê, khách sạn và karaoke, cùng với quỹ đất rộng lớn, trải dài các tỉnh thành cả nước.
Đáng nói, doanh nghiệp này chính “nguồn cơn” của “làn sóng phẫn nộ” đối với bà Vũ Thị Thuý dạo gần đây.
Trước khi trở nên “ồn ào” với vụ việc căng băng rôn đòi nợ mà Kinhtechungkhoan.vn đề cập, “cơn phẫn nộ” của các nhà đầu tư đối với bà Vũ Thị Thuý và “hệ sinh thái” Nhật Nam đã “âm ỉ” suốt hơn một năm nay. Nguyên nhân bắt nguồn từ hình thức “góp vốn hợp tác kinh doanh” của các doanh nghiệp này.
Mặc dù được giới thiệu là sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng nhưng Bất động sản Nhật Nam không thế chấp để vay vốn từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng với lãi suất thấp, mà lại huy động vốn trả lãi suất cao theo ngày từ các nhà đầu tư cá nhân.
Sau khi thành lập, doanh nghiệp này đã tung ra những “chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày” với mức lãi suất “không tưởng”. Các gói đầu tư, với mức thấp nhất là 100 triệu đồng và cao nhất là 50 tỷ đồng, đều được cam kết trả lợi nhuận theo 20 ngày làm việc và kết thúc sau 24 tháng, kèm theo ưu đãi mua bất động sản.
Tỷ suất lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được là từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm. Thậm chí, Bất động sản Nhật Nam còn đưa ra những chính sách tặng thưởng đặc biệt như: cứ góp 4 tỷ sẽ có 1 sổ cổ đông chiến lược, mỗi tháng ngoài lợi nhuận 46%/năm, nhà đầu tư còn được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng.
Với lãi suất cao gấp chục lần lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại (12-14%/24 tháng), Bất động sản Nhật Nam thu hút một lượng lớn nhà đầu tư chỉ sau hơn 2 năm hoạt động và nổi lên như “diều gặp gió”. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ thực hiện được đúng cam kết trả lãi trong 10 tháng và đã dừng hẳn từ tháng 8, tháng 9/2022.
Chính sách huy động vốn của Bất động sản Nhật Nam với lãi suất "khủng" lúc bấy giờ. |
Cũng không rõ Bất động sản Nhật Nam đã sử dụng hàng nghìn tỷ đồng vốn góp của các nhà đầu tư vào việc gì, khi tăng trưởng doanh thu rất thấp, còn lợi nhuận thì “chưa thấy đâu”. Theo dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn, doanh thu các năm 2019, 2020 của doanh nghiệp chỉ đạt 317,7 triệu đồng và 2,5 tỷ đồng.
Đáng nói, Bất động sản Nhật Nam lỗ liên tiếp với 2,2 tỷ đồng mỗi năm. Kết thúc năm 2021, mặc dù các chỉ số doanh thu, lợi nhuận ròng đã được cải thiện, ghi nhận ở các mức 35,3 tỷ đồng và 4 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này vẫn lỗ lũy kế 400 triệu đồng.
Không chỉ vậy, chất lượng tài sản của Bất động sản Nhật Nam cũng rất “èo uột”. Bảng cân đối kế toán thể hiện, tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 1.207 tỷ đồng, song phần lớn là khoản “phải thu ngắn hạn khác”, ghi nhận ở mức 1.047 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản mục quan trọng nhất để đánh giá chất lượng tài sản và giá trị các dự án của một doanh nghiệp bất động sản lại rất kém. Cụ thể, tài sản cố định chỉ ở mức 94,6 tỷ đồng, tài sản dang dở dài hạn 3,3 tỷ đồng; hàng tồn kho 2,4 tỷ đồng.
Đối ứng bên nguồn vốn, nợ phải trả của Bất động sản Nhật Nam tăng mạnh từ 388,5 tỷ đồng lên 998 tỷ đồng trong năm 2021, chủ yếu là từ khoản “phải trả ngắn hạn khác” với 962,8 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với hồi đầu năm và cao gấp 4,6 lần vốn chủ sở hữu.
Thậm chí, doanh nghiệp này vẫn còn nợ 66 triệu đồng tiền thuế nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh và bị Cục Thuế TP.HCM phong tỏa hóa đơn. Dữ liệu của Tổng cục Thuế Việt Nam cho thấy, bên cạnh trụ sở chính, cả chi nhánh và 13 văn phòng đại diện của Bất động sản Nhật Nam đều ngừng hoạt động hoặc không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
Kinhtechungkhoan.vn tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế Việt Nam. |
Trong khi chưa đòi được tiền phân chia lợi nhuận thì đầu năm 2023, các nhà đầu tư bất ngờ nhận được thông báo từ công ty này về việc thu hồi hợp đồng gốc, yêu cầu nhà đầu tư ký thoả thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh với Bất động sản Nhật Nam để chuyển sang ký với tư cách pháp nhân mới là Sông Đà Nhật Nam.
Với những nhà đầu tư chuyển đổi hợp đồng, Sông Đà Nhật Nam hứa hẹn, nếu hợp đồng được chuyển đổi trước tháng 2/2023 thì tháng 6/2023 sẽ được nhận lãi và đến tháng 9 là nhận hoàn gốc. Thế nhưng, đến nay, nhiều nhà đầu tư đã chuyển đổi hợp đồng vẫn chưa nhận được một đồng nào.
Còn với những nhà đầu tư không chuyển đổi hợp đồng, Sông Đà Nhật Nam cho biết, quyền lợi vẫn được giữ nguyên cho đến khi tài sản công ty tăng trưởng và có dòng tiền về. Tiền sẽ được hoàn lại cho nhà đầu tư nhưng không có thời gian cụ thể mà phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Đáng nói, dù không có tiền để chi trả cho hàng chục nghìn nhà đầu tư cũ nhưng Sông Đà Invest – doanh nghiệp mới nhất của bà Vũ Thị Thuý, vẫn đang tiếp tục quảng cáo, mời chào các nhà đầu tư mới bỏ vốn hợp tác kinh doanh, với mức lợi nhuận 92%/2 năm giống y như Nhật Nam.
Các gói đầu tư được cập nhật trên Website của Sông Đà Invest. |
Về phía “nửa còn lại” của Sông Đà Nhật Nam là Sông Đà 1.01, trước khi tham gia HĐQT của doanh nghiệp này vào ngày 31/12/2022, bà Vũ Thị Thuý cùng chồng là ca sỹ Khánh Phương đã liên tục thực hiện giao dịch với cổ phiếu SJC. Cũng cần lưu tâm rằng, trong quá trình “thâu tóm” Sông Đà 1.01, giọng ca “Chiếc khăn gió ấm” đã không thực hiện chào mua công khai. Mãi tới khi bị phạt, loạt giao dịch của nam ca sỹ mới được công bố.
Ngày 28/10/2022, ca sỹ Khánh Phương trở thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01, sau khi mua mới 3,16 triệu cổ phiếu SJC, tương đương 45,51% vốn điều lệ. Đến ngày 18/11/2022, nam ca sỹ tiếp tục mua thêm 66.800 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 46,65%. Tuy nhiên, đến ngày 25/11/2022, vị này lại bán ra 1,63 triệu cổ phiếu SJC, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 23,12%.
Đáng chú ý, số lượng cổ phiếu này đúng bằng số lượng mà bà Vũ Thị Thuý mua vào cùng ngày. Theo đó, bà Vũ Thị Thúy trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 với 23,53% vốn điều lệ.
Ngày 9/12/2022, ca sỹ Khánh Phương tiếp tục mua vào 65.400 cổ phiếu SJC, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 24,26% (1,68 triệu cp).
Như vậy, trước khi vào HĐQT của Sông Đà 1.01, bà Thuý cùng chồng là ca sỹ Khánh Phương đã sở hữu tổng cộng hơn 3.3 triệu cổ phiếu SJC, tương đương 47,79% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Đến ngày 31/3/2023, bà Thúy bán ra gần hết 1,63 triệu cổ phiếu SJC nắm giữ, chỉ còn sở hữu vỏn vẹn 22 cổ phiếu. Lượng cổ phiếu bán ra được “sang tay” cho hai doanh nghiệp liên quan là Nam Nhật Khang của ông Phạm Khánh Phương (881.600 cổ phiếu, 14,69% vốn điều lệ) và Sông Đà Nhật Nam của bà Vũ Thị Thuý (700.000 cổ phiếu, 10,18% vốn điều lệ).
Đáng chú ý, như Kinhtechungkhoan.vn từng đưa tin, kể từ khi vợ chồng bà Thuý tham gia HĐQT của Sông Đà 1.01, thị giá cổ phiếu SJC ghi nhận những diễn biến tăng giảm khá thất thường.
Mặc dù doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề, bao gồm việc cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, dự án triển khai chậm tiến độ, nợ vay lớn, tiền mặt hạn chế và khó tiếp cận nguồn vốn mới nhưng nhóm cổ đông của bà Thuý lại không cho thấy động thái “bơm” vốn hay xử lý mà chủ yếu chỉ “lướt sóng” cổ phiếu.
Cổ phiếu SJC liên tục tăng sốc giảm sâu trong thời gian vợ chồng bà Thuý tham gia HĐQT |
Chưa kể, từ cuối tháng 7/2023, nhóm cổ đông này bắt đầu triệt thoái vốn tại Sông Đà 1.01. Mở đầu là “sự ra đi” của Sông Đà Nhật Nam vào ngày 28/7. Sang tháng 8, đến lượt ca sỹ Khánh Phương và doanh nghiệp của ông Phương là Nam Nhật Khang đăng ký bán sạch số cổ phiếu nắm giữ.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Sông Đà 1.01 không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 do số lượng cổ đông dự họp không đại diện đủ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Mới đây, doanh nghiệp này còn vướng phải lùm xùm nợ lương, khiến Giám đốc điều hành là ông Lê Hà Phương đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Sông Đà 1.01 (SJC): CEO từ chức vì không nhận đủ lương, vợ chồng ca sĩ Khánh Phương "rậm rịch" rút vốn Trong bối cảnh chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 sau hai lần thất bại, Công ty CP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC) đang ... |
Ca sĩ Khánh Phương bị phạt nặng vì mua “chui” cổ phiếu SJC Ngày 26/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và ... |
Hành trình "lướt sóng" cổ phiếu SJC của vợ chồng ca sĩ Khánh Phương Ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) - Thành viên HĐQT Công ty CP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC) đang muốn bán ra toàn ... |
Hà Lê