Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) vừa công bố BCTC quý III/2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,5 tỉ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2023. Đại diện Công ty cho biết, sự tăng trưởng doanh thu đến từ việc số lượng học viên tham gia các khóa học đầu tư và phát triển bản thân tăng mạnh.
Văn Lang báo lãi quý III/2024 sau 2 quý đầu năm lỗ. |
Theo báo cáo, giá vốn hàng bán của Văn Lang cũng tăng mạnh, đạt 509,8 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là âm 241,8 triệu đồng. Doanh thu tài chính của Công ty đạt 835 triệu đồng, tăng hơn 177 lần so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính quý này ghi nhận ở mức 443 triệu đồng, trong khi quý III/2023 gần như không có chi phí này. Chi phí bán hàng tăng 195%, lên mức 1,3 tỉ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ 4,2%, đạt 537 triệu đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Văn Lang đạt 502 triệu đồng, tăng gấp 5 lần so với quý III/2023.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Văn Lang chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Công ty lỗ hơn 6,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 251 triệu đồng. Nguyên nhân chính là do 2 quý đầu năm Công ty gặp khó khăn và báo lỗ lớn.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Văn Lang là 46,8 tỷ đồng, tăng 3,3% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng là 3 tỉ đồng. Đáng chú ý, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh lên 15,3 tỷ đồng, gấp 76 lần so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty cũng tăng 285%, đạt 23,9 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khác tăng mạnh 312%, đạt 23,9 tỷ đồng.
Tình hình tài sản của Văn Lang. |
Về mặt nợ, công ty hiện đang gánh khoản nợ ngắn hạn 9,6 tỷ đồng, tăng 433% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm gần 8 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2024 không có khoản mục này.
Nợ tiếp tục phình to. |
Vốn chủ sở hữu của Văn Lang giảm 14,5% so với đầu năm, chỉ còn 37,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 2,7 tỷ đồng, giảm so với mức dương 3,4 tỉ đồng đầu năm. Vốn điều lệ của Công ty vẫn giữ nguyên ở mức 39,9 tỷ đồng.
Văn Lang cũng được biết đến qua các khóa học về đầu tư và phát triển bản thân, do ông Nguyễn Thành Tiến - Chủ tịch HĐQT kiêm diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư - dẫn dắt. Các khóa học này bao gồm cả miễn phí và thu phí, với mức giá cao nhất lên tới 180 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không thành công trong các hoạt động đầu tư của chính mình. Điển hình là việc mua một khách sạn tại Quảng Ninh trị giá 18 tỷ đồng vào năm 2022 đã gặp trục trặc và phải thanh lý.
Diễn biến cổ phiếu VLA. |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VLA từng gây sốt khi tăng mạnh vào năm 2022, đạt mức 90.000 đồng/cổ phiếu, đây là kỷ lục cao nhất của VLA. Tuy nhiên, hiện tại thị giá chỉ còn dao động quanh mức 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 22% so với đầu năm và giảm 6 lần so với đỉnh cao năm 2022. VLA cũng đã không được phép giao dịch ký quỹ (cắt margin) từ tháng 8 theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Nguyễn Thành Tiến - Chuyên gia dạy làm giàu nhưng không áp dụng được cho chính mình? Ông Nguyễn Thành Tiến – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) được biết đến ... |
Doanh nghiệp đầu tiên trong ngành bia công bố KQKD quý III: "Đứng hình" với khoản lãi 240 triệu đồng Bia – Nước giải khát Sài Gòn – Tây Đô công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu tăng 7,1%, đạt 70,5 ... |
PXM kéo dài chuỗi thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm nặng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (UPCoM: PXM) tiếp tục chìm trong khó khăn tài chính với doanh thu quý III/2024 giảm ... |
Ngọc Nhi