Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần giao dịch hồi phục (13-17/2) nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện. Dù vậy, thanh khoản vẫn sụt giảm khi dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tiếp tục giảm 9,5% về mức 9.999 tỷ đồng/phiên. Đáng chú ý, khối ngoại đã chính thức quay đầu bán ròng sau khi giá trị mua ròng giảm dần qua các tuần gần đây.
Cụ thể, khối này đã bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HoSE sau 5 phiên giao dịch. Trong đó, bán ròng 427 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng 34 tỷ đồng thoả thuận. Như vậy, sau 4 tuần liên tiếp mua ròng, khối ngoại đã quay đầu bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, trong báo cáo dòng vốn quỹ ngoại tại Việt Nam, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) đánh giá, mặc dù trong tuần 6-10/2, khối ngoại vẫn duy trì hoạt động mua ròng với giá trị 880 tỷ đồng, nhưng con số này đã giảm một nửa so với tuần trước đó.
“Dòng vốn vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy yếu trong 2 tuần trở lại đây và không còn lan rộng sang các quỹ ETF chủ đạo. Do vậy, hoạt động rút vốn khả năng cao sẽ quay trở lại trong những tuần giao dịch tiếp theo”, KISVN nhận định.
Lý giải hiện tượng này, giới phân tích cho rằng, lượng mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có đến 70% đến từ các quỹ ETF. Suốt từ tháng 4/2022, khi VN-Index sụt giảm, nhóm này đã giải ngân và đỉnh điểm đạt kỷ lục vào tháng 11 đến tháng 12. Do đó, dư địa để giải ngân không còn nhiều dẫn đến tình trạng mua ròng nhỏ giọt hoặc đảo chiều bán, trừ khi các quỹ chủ động thu hút được lượng tiền mới.
Bên cạnh đó, hầu hết các ETF thường "tracking" theo chỉ số, khi thị trường tăng lên thì nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào, liên tiếp mua ròng nhưng đến thời điểm tháng 2 vừa qua, VN-Index đứng trước áp lực điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư phòng thủ giảm mua, quay ra bán.
Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng khối ngoại quay đầu bán ròng là có một phần yếu tố chốt lời sau nhịp mua ròng liên tục.
Chưa kể, mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với giai đoạn tháng 11/2022, nhất là khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính có sự phân hóa rõ nét. Cho nên, dòng tiền của khối ngoại có xu hướng yếu đi là tương đối phù hợp.
Các chuyên gia nói gì?
Ông Trần Phong, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập phân tích, vị thế của khối ngoại trong quá khứ cũng như hiện tại đang hồi sinh khi dòng tiền trong nước suy giảm. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đã tăng từ 10% năm 2020 – 2021 lên mức 20% - 30% từ giữa năm 2022 đến nay.
“Đà mua ròng của khối ngoại có thể chững lại trong nửa cuối tháng 2 và cả tháng 3, nhưng không làm thay đổi xu thế mua ròng tính theo bình diện cả năm 2023”, ông Phong nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng trong quý III/2023 hoặc sớm hơn.
Theo khảo sát của A+ Fund, 100% quỹ đầu tư từ Anh, Đức, Đài Loan, Mỹ được hỏi đều đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong khi tỷ lệ trước đây chỉ là 40%.
Trong đó, các quỹ đầu tư nước ngoài đang làm việc với A+ Fund bày tỏ sự quan tâm chủ yếu tới hai thị trường là Indonesia và Việt Nam khi đề cập về thị trường Đông Nam Á.
Dù vậy, các chuyên gia lưu ý, hiện vẫn tồn tại những rào cản khiến các quỹ e ngại trước quyết định rót vốn và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, điều khiến các quỹ này lo ngại nhất là tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, khó khăn lớn nhất khi đầu tư tại thị trường Việt Nam là không có sản phẩm để mua. Cụ thể, cổ phiếu nằm trong lựa chọn của quỹ đầu tư phải đáp ứng về tính thanh khoản tốt, trong khi chỉ số ít đáp ứng điều kiện như cổ phiếu trong nhóm VN30, VN50.
Một yếu tố khác là nhà đầu tư nước ngoài đang chờ danh mục thị trường mới nổi (EM) và thị trường cận biên để có sự phân bổ. Điều này sẽ khiến dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán Việt chững lại. “Khối ngoại là một ẩn số không thể bỏ qua trong mọi suy xét về xu thế của thị trường năm 2023”, ông Phong cho biết.
Nguyên Nam