Không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động làm gì để hưởng lương hưu?

25/08/2024 - 23:26
(Bankviet.com) Theo quy định của chính sách hiện hành, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Từ 1/7/2025: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bao nhiêu năm sẽ được hưởng lương hưu? Đã chi trả trực tiếp lương hưu, trợ cấp qua tài khoản cá nhân tại 43 địa phương Thông tin mới nhất về chi trả lương hưu tháng 9/2024 trên cả nước

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định của chính sách hiện hành, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, có không ít người lao động muốn hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ như theo quy định.

Ví dụ, người lao động 62 tuổi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 17 năm muốn được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, người lao động nếu có nguyện vọng được hưởng hương hưu thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu theo quy định.

Không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động làm gì để hưởng lương hưu?
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2025 giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống 15 năm. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội và bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sau:

Đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Như vậy, nếu người lao động muốn hưởng lương hưu sớm nhất có thể đăng ký đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức đóng một lần cho 3 năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay tại tháng liền kề sau tháng đóng đủ bảo hiểm xã hội.

Đáng chú ý, theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 29/6, gồm 11 chương, 141 điều. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với nhiều điểm mới nổi bật. Trong đó, giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống 15 năm, tăng tỉ lệ hưởng. Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về mức lương hưu hàng tháng, đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương