Kỷ nguyên tăng trưởng mới và động lực từ đầu tư công
Tại Hội nghị Nhà đầu tư năm 2025, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư Quỹ Dragon Capital đã đưa ra nhận định, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của tăng trưởng, với động lực từ đổi mới chính trị và hệ thống tư duy. Theo đó, năm 2025 tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ là hai trụ cột chính thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Tuấn nhấn mạnh, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức để tạo ra sự đột phá. Tổng mức thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2025 được dự báo chỉ tăng 2-3%, trong khi 60% thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược tái cấu trúc và nâng cao năng suất để thích nghi.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital |
Đầu tư công hiệu quả được xem là yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Chuyên gia Dragon Capital khuyến nghị, việc đầu tư cần gắn liền với chỉ số ICOR thấp, tập trung vào các dự án có hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí. Đồng thời, các dự án cần đảm bảo tiến độ thi công, nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ để cải thiện hiệu quả sản xuất.
Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã có những bước tiến lớn, như Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành, cả hai dự kiến hoàn thành vào nửa đầu năm 2025. Đường dây 500KV Quảng Trạch đã hoàn tất trong tháng 9/2024. Đặc biệt, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng mức đầu tư gần 69 tỷ USD sẽ bắt đầu xây dựng vào năm 2027, hứa hẹn tạo ra tác động sâu rộng đến tiêu dùng và bất động sản.
Dragon Capital nhận định rằng, đầu tư công sẽ đóng vai trò dẫn dắt, kích thích khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn. Ông Tuấn khẳng định, nếu niềm tin của doanh nghiệp tư nhân tăng cao, câu chuyện tăng trưởng kinh tế hai con số là hoàn toàn khả thi.
Với nền tảng đầu tư công hiệu quả, Giám đốc Đầu tư Quỹ Dragon Capital đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025. Trong trường hợp chính sách thương mại của Mỹ quá quyết liệt và lãi suất tăng thêm 150 điểm cơ bản, GDP Việt Nam có thể đạt 6,5-7%. Tuy nhiên, nếu chính sách tài khóa được định hướng rõ ràng, và Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt từ 7,5-9%.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng dự báo ba kịch bản tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Nếu xảy ra chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ tăng 5-8%. Ở kịch bản cơ sở, khi các vướng mắc trong bất động sản Việt Nam được tháo gỡ và tiêu dùng cá nhân cải thiện, lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng 15-17%. Trong kịch bản lạc quan nhất, khi đầu tư công tạo được động lực lớn và niềm tin vào kinh tế tư nhân được củng cố, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp có thể đạt 18-25%.
Chứng khoán, BĐS giữ vai trò chủ đạo trong các kênh đầu tư năm 2025
Giám đốc đầu tư Dragon Capital đã đưa ra nhận định sâu sắc về hiệu suất đầu tư của các kênh tài sản chính, bao gồm bất động sản, chứng khoán, vàng và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trên thang điểm tối đa là 5, mỗi kênh đều được đánh giá dựa trên tiềm năng và rủi ro đi kèm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại.
Với kênh đầu tư vàng, ông Tuấn nhấn mạnh rằng kim loại quý này chỉ chiếm 2% trong danh mục cá nhân của ông. Mặc dù vàng từng có những giai đoạn tăng giá mạnh, nhưng xét về dài hạn 10, 20 hay 50 năm, hiệu suất đầu tư của vàng không vượt trội so với các kênh khác. Biến động giá khó đoán cùng với sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá khiến vàng trở thành kênh đầu tư không lý tưởng. Do đó, kênh này được đánh giá ở mức thấp, chỉ từ 2-2,5/5 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán được đánh giá cao hơn, ở mức 3,5-4/5 điểm. Ông Tuấn dự báo rằng, năm 2025 sẽ là thời điểm chuẩn bị cho một đợt bứt phá lớn của thị trường, có thể xảy ra vào năm 2026. Hiệu suất đầu tư chứng khoán dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và tiềm năng nâng hạng thị trường chưa được phản ánh đầy đủ trong định giá hiện tại. Chỉ số PER dự phóng cuối năm 2025 được kỳ vọng giảm về mức -1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm, trong khi PBR dự phóng cũng nằm ở vùng thấp nhất thập kỷ.
Trong kịch bản cơ sở, VN-Index được dự báo tăng 15-17% trong năm 2025, với các ngành công nghệ, ngân hàng, bán lẻ giữ vai trò chủ đạo. Những ngành công nghiệp khác như thép và công nghệ cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt nhờ các chính sách hỗ trợ. Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng rõ nét và hưởng lợi trực tiếp từ chính sách.
Kênh bất động sản được đánh giá có tiềm năng tương đương với chứng khoán, đạt mức 3,5-5/5 điểm. Mặc dù giá bất động sản ở nhiều khu vực đã tăng cao, ông Tuấn tin rằng, về dài hạn, khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ và cơ sở hạ tầng được liên kết đồng bộ, bất động sản sẽ tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời cao. Những khu vực chưa được chú ý nhiều hiện nay có thể trở thành tâm điểm trong tương lai, với hiệu suất đầu tư vượt trội khi các dự án pháp lý và hạ tầng được hoàn thiện.
Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, đây là lựa chọn có lợi suất hấp dẫn hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro về an toàn và thanh khoản khiến trái phiếu không phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm. Dragon Capital khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng và chọn lọc khi đầu tư vào trái phiếu để giảm thiểu rủi ro.
Chứng khoán có tuần giảm sâu, chuyên gia mách nước giao dịch cho nhà đầu tư tuần tới Thị trường chứng khoán tuần qua giảm tương đối sâu, với VN-Index mất 1,92% xuống 1.230,48 điểm, áp lực bán mạnh trên hầu hết các ... |
Có bao nhiêu doanh nghiệp vốn hóa "tỷ đô" trên sàn HOSE? Tháng 12/2024, thị trường chứng khoán ghi nhận VN-Index tăng 1,31% với các ngành công nghệ, tài chính, y tế dẫn đầu đà tăng trong ... |
Chuyên gia Nguyễn Đức Nhân: Việc phòng thủ danh mục là cần thiết để hướng đến cái Tết "ấm áp" Quý I/2025 được dự báo là giai đoạn đầy thách thức với thị trường chứng khoán khi áp lực từ quốc tế gia tăng và ... |
Đức Anh