Kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng để chờ cơ hội?

30/05/2022 - 21:26
(Bankviet.com) Nhiều nhà đầu tư vẫn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở chứng khoán và bất động sản. Chính vì thế mà vốn của doanh nghiệp gửi vào là chủ yếu.

Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Số dư tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.

Trong đó, tiền gửi ở các tổ chức tín dụng của các tổ chức kinh tế là 5,865 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 19%; của dân cư là 5,474 triệu tỷ, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 2/2022 cho thấy, tiền gửi dân cư duy trì đà tăng với 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 159.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2021; tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp cũng tăng gần 60.000 tỷ đồng, lên mức 5,63 triệu tỷ đồng.

Lý giải về vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chuyên gia kinh tế ngân hàng cho rằng, do hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang có các khó khăn trở ngại, các doanh nghiệp vẫn chưa dám mạnh tay đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất, chờ đợi cơ hội đầu tư.

Đơn cử như việc tăng giá một cách đột xuất của một số nguyên vật liệu đầu vào cũng khiến cho doanh nghiệp chần chừ trong việc mua nguyên vật liệu. Nhiều công ty cũng cho rằng tình trạng giá cả tăng bất thường chỉ là tạm thời. Chính vì thế, trong tình hình hiện tại các doanh nghiệp phải gửi ngân hàng để hưởng lãi suất thay vì chọn mở rộng sản xuất.

PGS. TS Thịnh cũng lấy ví dụ: “Như ngành sắt thép, nhiều doanh nghiệp dự báo rằng việc nguyên vật liệu tăng giá là do xung đột địa chính trị gây ra và điều đó sẽ sớm qua đi nên nhóm này có xu hướng chờ đợi cơ hội”.

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng có tăng lãi suất huy động song không nhiều và chưa đủ hấp dẫn để hút mạnh tiền gửi dân cư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở chứng khoán và bất động sản. Chính vì thế mà vốn của doanh nghiệp gửi vào là chủ yếu.

Một vấn đề nữa cũng cần được nhắc đến đó thị trường chứng khoán đầu năm cũng có những dấu hiệu của sự điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư nhận thấy xu hướng này cũng đã rút lui khỏi thị trường. Đặc biệt trong giai đoạn chấn chỉnh, xử lý các vụ việc sai phạm, thị trường chứng khoán có xu hướng rớt điểm. Chứng khoán cũng vì thế mà không còn quá hấp dẫn như trước với các dòng tiền đầu cơ và cũng đã có thêm những nhà đầu tư rời bỏ thị trường này.

Cùng bàn về nguyên nhân trên, đại diện một hệ thống nhà hàng cho biết, họ có tâm lý tích lũy, dành vốn để tái đầu tư kinh doanh, mở rộng thương hiệu khi tình hình dịch bệnh ổn định.

"Với năm vừa qua và đầu năm nay, chúng tôi đã tích lũy và gửi tiết kiệm. Hiện tại, chúng tôi gửi tiết kiệm ngân hàng tăng hơn 10 - 15% so với trước đây", bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Công ty CP TukTuk Thai Bistro, cho hay.

"Bất động sản và chứng khoán vẫn là những kênh đầu tư có hiệu quả, đặc biệt nếu lựa chọn đúng hàng hóa thì kết quả đầu tư vẫn rất tốt, tuy nhiên cần tránh để hết trứng vào một giỏ. Tiền gửi ngân hàng cũng hiệu quả và tương đối an toàn. Ở Việt Nam gần như chẳng ngân hàng nào phá sản và nó vẫn là một kênh tương đối tốt để có thể đầu tư" – Ông Thịnh nhắn nhủ nhà đầu tư.

NPV

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán