Kinh nghiệm đi lễ hội Yên Tử đầu năm

13/02/2024 - 18:26
(Bankviet.com) Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, du khách thập phương lại nô nức ghé thăm và chiêm bái cõi thiêng Yên Tử.
Quảng Ninh: Khai Hội xuân Yên Tử vào ngày 10 tháng Giêng Hà Nội: Chi tiết những địa điểm linh thiêng cầu tài lộc để đi lễ dịp đầu năm

Chùa Yên Tử - Điểm đến tâm linh nổi tiếng

Chùa Yên Tử được xem là đất tổ Phật giáo của Việt Nam vào thời Đại Việt. Sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, ngài đã đến đây tu hành và khai sinh ra Thiến phái Trúc Lâm, là dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam. Do đó, vào mỗi dịp đầu xuân hàng năm, chùa Yên Tử lại rộn ràng tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh những công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân hàng năm. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến lễ hội chùa Yên Tử để mong muốn được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương về đất Phật giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Kinh nghiệm đi lễ hội Yên Tử đầu năm

Nghi thức lễ hội Yên Tử. ( Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội diễn ra với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống đất Việt. Không chỉ có những nghi lễ của Phật giáo, hội Yên Tử còn có nhiều chương trình khác để giải trí và tôn lên nét đẹp truyền thống của người Việt.

Ngay trước ngày lễ hội diễn ra, Hội Phật giáo tỉnh sẽ tiến hành nghi lễ mở cửa rừng Yên Tử. Sau đó, các sư thầy và cả người dân địa phương sẽ thực hiện những nghi thức cầu mong cho lễ hội diễn ra bình an, tốt đẹp như dâng hương, tụng kinh niệm phật, tế cáo trời đất, phật tổ và các vị sơn thần,...

Sáng mùng 10 tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, các vị chư tăng hòa thượng sẽ tiến hành thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an. Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ lần lượt thực hiện đóng dấu thiêng trên ấn Yên Tử. Ngoài ra, phần lễ còn các hoạt động thú vị khác như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm vô cùng đặc sắc.

Kinh nghiệm đi lễ hội Yên Tử đầu năm

Chùa Đồng cao nhất nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1068 mét so với mực nước biển (Ảnh: Sưu tầm)

Sau khi kết thúc nghi lễ khai hội, du khách sẽ được bắt đầu cuộc hành hương lễ phật theo từng dòng, lần lượt di chuyển đến đỉnh núi Yên Tử dưới những bóng cây cổ thụ to lớn và có cả những làn sương khói mờ ảo, cứ ngỡ như đang đi vào cõi Phật.

Một số điều cần lưu ý khi đến với Lễ hội

Du khách có thể di chuyển đến Yên Tử với nhiều phương tiện khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và mức giá phù hợp với bạn. Một số phương tiện có thể kể đến như xe khách, xe máy,...

Chi phí khi tham quan Yên Tử bao gồm phí đi từ đền Trình vào Yên Tử, vé xe buýt 16 chỗ khoảng 20.000 đồng/lượt. Chi phí từ bãi đỗ xe vào chân núi, vé xe điện khoảng 10.000 đồng/lượt. Đối với phòng ngủ riêng tùy vào địa điểm khoảng 150.000 đến 500.000 đồng/phòng. Phòng ngủ tập thể, phù hợp với đi chơi hội nhóm, gia đình khoảng 100.000 đến 180.000 đồng/giường. Dịch vụ nhà hàng, tùy vào nơi ở khoảng 40.000 đến 80.000 đồng/suất ăn.

Kinh nghiệm đi lễ hội Yên Tử đầu năm

Cáp treo Yên Tử được chia làm 2 chặng để du khách tận hưởng tối đa vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng ( Ảnh: Sưu tầm)

Cùng với đó, giá vé cáp treo tuyến Một Mái - An Kỳ Sinh, tuyến Giải Oan - Hoa Yên, cụ thể, mỗi tuyến một chiều khoảng 120.000 đồng/người - Khứ hồi khoảng 200.000 đồng/người. Nếu mua cả 2 tuyến, giá một chiều khoảng 120.000 đồng/tuyến/người - Khứ hồi: Khoảng 80.000 đồng/người.

Yên Tử vốn là đất Phật linh thiêng, khi đến đây, du khách nên chọn trang phục kín đáo và nhã nhặn. Đặc biệt, du khách sẽ cần leo tới hơn 6km bậc thang đá dốc đứng nên ưu tiên đi giày thể thao để di chuyển dễ dàng hơn. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn nước uống và gậy chống để đủ sức vượt qua hành trình lên tới chùa Đồng.

Quỳnh Trang

Theo: Báo Công Thương