Nền kinh tế Trung Quốc đã vượt kỳ vọng khi tăng trưởng 5,4% trong quý đầu tiên năm 2025, giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục trong quỹ đạo để đạt được mục tiêu của năm nay ngay cả khi vẫn còn nhiều bất ổn về cách nền kinh tế sẽ hoạt động trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang chưa từng có với Mỹ.
Số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 16/4 cao hơn mức dự báo 5,16% của các nhà kinh tế được thăm dò bởi nhà cung cấp dữ liệu tài chính Trung Quốc Wind.
Tăng trưởng theo năm trong 3 tháng đầu năm 2025 phù hợp với mức tăng trưởng 5,4% được ghi nhận trong quý trước. Trên cơ sở so sánh quý, nền kinh tế tăng trưởng 1,2%.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%, nhưng lo ngại đang gia tăng về cách thức có thể đạt được mục tiêu đầy thách thức này, điều này sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ - đặc biệt là trong bối cảnh các cú sốc bên ngoài leo thang từ một cuộc trả đũa thuế quan với Mỹ.
Sheng Laiyun, Phó giám đốc Cục Thống kê quốc gia cho biết, nền kinh tế "đã có một khởi đầu tốt, ổn định và duy trì đà phục hồi, với sự đổi mới ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt" trong quý đầu tiên của năm 2025.
Nhưng ông cảnh báo, "môi trường bên ngoài đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn, động lực tăng trưởng nhu cầu trong nước chưa đủ và nền tảng cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững vẫn chưa được củng cố".
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn cam kết đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay bất chấp những trở ngại ngày càng tăng, ông Sheng cho biết.
"Chúng tôi có sự tự tin, khả năng và quyết tâm để chống chọi với những thách thức bên ngoài và đạt được các mục tiêu phát triển của mình", ông nhấn mạnh.
Theo dữ liệu của NBS, doanh số bán lẻ tăng 5,9% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng trưởng 4% trong 2 tháng đầu năm.
Trung Quốc đang đặt nhiều kỳ vọng vào nhu cầu trong nước - đặc biệt là tiêu dùng - để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay, khi áp lực bên ngoài gia tăng dưới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Trong nỗ lực thúc đẩy chi tiêu, các cơ quan lãnh đạo của nhà nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một kế hoạch 30 điểm nhằm kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí của Đảng Qiushi ngày 16/4, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho tiêu dùng dịch vụ và cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực trong các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, khách sạn, dịch vụ gia đình, chăm sóc người già, du lịch, thể thao và chăm sóc sức khỏe.
"Môi trường toàn cầu đang trở nên thách thức hơn, với đà tăng trưởng yếu đi, sự phân mảnh ngày càng sâu sắc và các rào cản ngày càng gia tăng đối với dòng chảy kinh tế quốc tế", ông viết, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc cũng có kế hoạch bổ sung các danh mục như nhà nghỉ homestay, dịch vụ bất động sản và dịch vụ y tế trực tuyến vào danh sách các ngành khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cảnh báo, mặc dù nền kinh tế vượt qua dự báo trong quý đầu tiên, nhưng "thiệt hại từ chiến tranh thương mại sẽ thể hiện trong dữ liệu vĩ mô vào tháng tới".
"Chuỗi cung ứng bị gián đoạn và hiệu ứng lan tỏa có thể sẽ xuất hiện ở nhiều quốc gia. Sự không chắc chắn là cực kỳ cao đối với các tập đoàn và nhà đầu tư", ông nói.
Đầu tư tài sản cố định trong tháng 1-tháng 3 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 4,1% trong 2 tháng đầu năm. Đầu tư bất động sản, một lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế năm ngoái, đã giảm 9,9% trong quý đầu tiên, so với mức giảm 9,8% trong 2 tháng đầu năm.
Trong khi đó, đầu tư tư nhân, thước đo niềm tin của nhà đầu tư, đã tăng 0,4% trong quý đầu tiên của năm.
Gary Ng, một nhà kinh tế cấp cao của Natixis, đã cảnh báo rằng "áp lực dai dẳng trong lĩnh vực bất động sản và địa chính trị sẽ gây ra sự chậm lại trong các quý tới".
Nhu cầu được đáp ứng trước đã thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu trong quý đầu tiên, nhưng tác động đầy đủ của thuế quan từ Mỹ sẽ sớm được cảm nhận trên toàn nền kinh tế, chuyên gia của Nataxis cho biết.
Ông nói thêm rằng "nếu lãi suất không giảm nhiều hơn nữa với nhiều biện pháp kích thích tài khóa hơn về phía cầu, thì động lực này có thể không duy trì được".
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý vào thứ Năm tuần trước rằng Bắc Kinh dự kiến sẽ tăng cường nới lỏng chính sách trong năm nay, bao gồm cắt giảm lãi suất 60 điểm cơ bản và tăng thâm hụt tài chính thêm 4,1 điểm phần trăm lên 14,5 % GDP.
"Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp nới lỏng đáng kể này cũng khó có thể bù đắp hoàn toàn những tác động tiêu cực của thuế quan", các nhà phân tích của ngân hàng này cảnh báo khi hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 4% trong năm 2025 và 3,5% năm 2026 - mỗi dự báo giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết, cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đưa ra manh mối về kế hoạch của nước này về các biện pháp tiếp theo để củng cố nền kinh tế trong bối cảnh xung đột thương mại.
“Tôi nghĩ chính phủ sẽ tung ra biện pháp kích thích mới vào thời điểm nào đó trong năm nay, nhưng không phải trong cuộc họp này”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc có thể “chờ để quan sát mức độ chậm lại của xuất khẩu và phản ứng phù hợp”.
Mỹ đã áp thuế tổng cộng 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa mức thuế thực tế lên khoảng 156%. Theo thông tin mới do Nhà Trắng công bố vào thứ Ba, mức thuế mới áp cho Trung Quốc hiện lên tới 245%, mà không có bất kỳ giải thích hay thông báo chính thức nào về việc tăng thuế mới. Trong khi đó, mức thuế mới nhất của Trung Quốc đối với hàng hóa của Mỹ đã tăng lên 125%, tuy nhiên Trung Quốc cho biết đây là mức thuế cuối cùng và Trung Quốc sẽ không đáp trả thêm.
Về những số liệu khác, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 3 đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở thành thị là 5,2% trong tháng 3, so với 5,4% trong tháng 2.
V.A