Trong nửa đầu năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm “tháo gỡ các nút thắt hiện nay” của nền kinh tế, có thể kể đến như: Chính phủ ban hành Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với trái chủ về việc gia hạn thời hạn trái phiếu và thực hiện các giải pháp khác nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02, 03 hướng dẫn cơ cấu lại nợ, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế; Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp tài khóa, bao gồm thúc đẩy đầu tư công, hoãn, miễn giảm thuế phí để hỗ trợ phục hồi kinh tế; Chính phủ đang tìm kiếm các giải pháp để gỡ nút thắt pháp lý cho các dự án bất động sản ở các tỉnh phía Nam và ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg về đề án phát triển 1 triệu lô nhà ở xã hội.
Với nhiều giải pháp/chính sách hỗ trợ nền kinh tế được đưa ra, trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, CTCK VNDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ rệt hơn trong nửa cuối năm 2023. Trong đó, chính sách nới lỏng tài khóa và lãi suất trong nước giảm là hai yếu tố chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
“Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam tăng 7,1% (+/-0,3 điểm %) trong nửa cuối năm 2023 (so với mức tăng 3,7% trong nửa đầu năm nay), qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5% co với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %). Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,9% (+/-0,3 điểm %) trong năm 2024”, VNDirect dự báo và.
Theo VNDirect các yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đến từ: Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng; lãi suất cho vay giảm giúp kích thích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc; các đơn hàng xuất khẩu nông sản và sản phẩm công nghiệp của Việt Nam có thể phục hồi từ quý IV/2023 trong bối cảnh hàng tồn kho tại các nước đã phát triển giảm.
Các số liệu kinh tế tại Mỹ cho thấy, tồn kho tại quốc gia này đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào cuối qúy I/2023 và dự kiến sẽ giảm trong những quý tiếp theo. Do đó, VNDirect kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ phục hồi trong quý IV/2023 do: Tồn kho tại các nước phát triển giảm sẽ kích thích nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; chu kỳ thay thế smartphone cũ bằng mẫu mới là 25,3 tháng, tức khoảng 2 năm (theo nghiên cứu của China Mobile Terminal Lab), điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu smartphone của Việt Nam kể từ quý IV/2023; nhu cầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ hơn sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Về chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, giảm thuế, phí (giảm 2% thuế GTGT, giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước), tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức nhà nước từ ngày 1/7. Các doanh nghiệp nhà nước (như PVN) cũng có thể tăng cường đầu tư trong thời gian tới để phối hợp với chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ.
Theo VNDirect, đang có một số yếu tố hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng trong nửa cuối năm 2023, đó là: Nợ công thấp tạo dư địa cho nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế; lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) của Việt Nam giảm mạnh kể từ đầu năm 2023; lạm phát trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong vài tháng qua.
Về lãi suất, VNDirect kỳ vọng: “Lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm 2023”. Trong đó, kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,0 - 6,5%/năm vào cuối năm 2023, do: Nhu cầu tín dụng suy yếu do suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ sẽ còn tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.
“Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hành thương mại đang giảm nhờ: Tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023 và ban hành Thông tư 02 cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu….”, VNDirect nhận định.
Về tỷ giá, một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, có thể kể đến như: Lãi suất điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi Ngân hàng Nhà nước định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng; lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.
Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi: Thặng dư thương mại duy trì mức cao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối ổn định; các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ; Việt Nam hiện duy trì lãi suất thực cao.
Từ những yếu tố trên, VNDirect dự báo: “Tỷ giá USD/VND có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, dự báo dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023”.
Lạm phát được dự báo nằm trong tầm kiểm soát trong nửa cuối năm 2023. Do đó, VNDirect hạ dự phóng lạm phát bình quân của Việt Nam năm 2023 xuống 3,3% (+/-0,2 điểm %) (đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% đề ra đầu năm).
Đoàn Hằng