Kinh tế Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong trung hạn Trang The Interpreter đánh giá cao sức bật kinh tế của Việt Nam Nhận diện tăng trưởng kinh tế dưới góc nhìn tốc độ và chất lượng |
Sáng ngày 26/3/2024, Hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Trong cái khó vẫn có điểm sáng
Kinh tế Việt Nam sắp bước qua quý I với nhiều điểm sáng. Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn FDI đăng ký mới tăng gần 40%, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên mốc 50 điểm... Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6-6,5%.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ, tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, Việt Nam đang có 7 trợ lực quan trọng cho thị trường trong năm nay. Cụ thể, kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi nhưng lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm. Đối với Việt Nam dự báo năm 2024-2025 sẽ tốt hơn; Lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, tỷ giá sẽ ổn định hơn; Triển vọng và xu hướng thị trường; Nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì; Vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện; Niềm tin phục hồi, dù còn chậm; Khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn vay vốn lãi suất thấp hơn, thanh khoản thị trường tốt hơn.
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại hội thảo |
Bên cạnh đó, các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi. Khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam được đánh giá tốt. Chúng ta thấy, kinh tế đang phục hồi, quý sau cao hơn quý trước. Đặc biệt xuất khẩu đã tăng trở lại, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 19%, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần (dù ngắn hạn). Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 33%.
Về chứng khoán tăng trưởng tích cực khoảng 13% từ đầu năm, các nhóm ngành tăng trưởng âm trong năm trước đều phục hồi mạnh.
Đặc biệt, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Ban hành các chính sách tài khoá “mở rộng trọng tâm” thông qua việc giản hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ và chính sách tiền tệ “linh hoạt nới lỏng” thông qua 4 lần giảm lãi suất cho phép cơ cấu lại nợ.
Niềm tin đầu tư kinh doanh tiêu dùng năm 2024 phục hồi. Khả năng huy động nguồn lực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% năm 2023 nhưng cần kích cầu đầu tư tư nhân. Tín dụng năm 2024 đạt 14-15% là khả thi. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước đang bắt đầu phục hồi.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức năm 2024. Rủi ro bên ngoài, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư còn chậm, tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp. Giải ngân đầu tư công chưa có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm.
Nhìn chung bức tranh vĩ mô của Việt Nam có nhiều điểm sáng và dự báo về một triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ cho năm 2024. Nhưng thực tế cũng cho thấy, bức tranh không bao giờ toàn màu hồng. Trong năm 2023, đầu tư tư nhân đang chững lại, đầu năm 2024 tín dụng ngân hàng tăng trưởng âm đi kèm lãi suất cho vay bình quân đang cao gấp đôi lạm phát, thị trường bất động vẫn chưa khởi sắc thực sự, vẫn còn đó những e ngại khi thực hiện thay đổi, nhiều khó khăn đến từ xung đột địa chính trị và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới…
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn
Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có xu hướng chậm lại trong những năm gần đây và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng kỳ vọng. Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19; Biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; và mô hình tăng trưởng cũ dựa nhiều vào vốn, lao động giá rẻ đã đến điểm tới hạn. Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, rất thách thức để đạt được mục tiêu 6,5%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy.
Bước ngoặt chuyển đổi này được nhìn thấy qua dữ liệu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, Khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so với năm 2022 (trong đó FDI vào các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%). Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32% với tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới. Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Trong các phát biểu của mình, cả TS. Võ Trí Thành và TS. Cấn Văn Lực đều nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cá nhân trước khi tìm kiếm các cơ hội bứt phá đều phải xác định rõ khẩu vị rủi ro và phương thức quản trị rủi ro của mình.
Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ của Chính phủ; kết nối ngành hàng, đối tác, hiệp hội; tìm hiểu sự dịch chuyển của các thị trường, nguồn cung... và bắt nhịp các xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. TS. Võ Trí Thành đã đúc kết lại chuỗi các hành động này với công thức: “Phòng thủ chắc chắn + Tận cơ vượt khó + Bắt kịp xu thế”.
Từ góc độ của một đơn vị tư vấn hàng đầu, bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng Giám đốc, EY-Parthenon - Tư vấn chiến lược, CTCP Tư vấn EY Việt Nam đã gợi mở ra cơ hội phát triển từ việc nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trọng tâm là sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics phục vụ ngành.
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng trưởng kể từ quý IV/2023. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng tích cực hơn. Các nhóm ngành như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, logistic, hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ, tiêu dùng, bán lẻ được đánh giá có triển vọng tăng trưởng giá trị vốn hóa trong giai đoạn tới.
Duy Anh