Xuất khẩu gạo tiểu ngạch tăng mạnh: Nguy cơ tiềm ẩn Thuốc lá điện tử nhiều nguy cơ tiềm ẩn |
Quy mô người dùng liên tục tăng...
Năm 2016, TikTok ra mắt người dùng tại Trung Quốc với cái tên Douyin (công ty mẹ là Bytedance). Ngay lập tức, mạng xã hội này chiếm lĩnh được thị phần và vượt qua một số đối thủ nhờ những trải nghiệm mới thú vị thông qua các nội dung video ngắn đa dạng, đặc sắc tới người dùng.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, ở phạm vi toàn cầu, quy mô người dùng của TikTok duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm. Số lượng người dùng truy cập TikTok đạt mốc hơn một tỷ người mỗi tháng, trong đó, có đến 1/4 người dùng đến từ khu vực Đông Nam Á.
Quy mô người dùng của TikTok duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong 5 năm qua |
"Tính đến tháng 6 năm 2021, số lượng người dùng của TikTok đã vượt ngưỡng 240 triệu người tại Đông Nam Á, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, có đến khoảng 800 triệu video được tạo ra bởi cộng đồng sáng tạo Đông Nam Á, đạt hơn một nghìn tỷ lượt xem video trong tháng 6" - ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết.
Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia cũng cho thấy, trong năm 2022, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 672 triệu lượt. Tiếp đó là Instagram ở vị trí số hai với 548 triệu. Cùng với đó, lượt tải xuống của Facebook lại giảm mạnh. |
Tại nhiều quốc gia và khu vực, TikTok đã trở thành ứng dụng có thời gian sử dụng của người dùng cao nhất. Thống kê cho thấy người dùng TikTok ở Mỹ dành trung bình 95 phút cho video ngắn mỗi ngày, nhiều hơn hẳn việc vào Twitter, Facebook, Instagram với thời gian hoạt động chỉ khoảng 30 phút mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Bình Minh, Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, một trong những ưu điểm nổi bật của TikTok “hút” được người dùng bởi tính năng đặc sắc như cho phép người dùng xem, tạo và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau với hiệu ứng phù hợp với sở thích cá nhân như bộ lọc, nhạc nền, hiệu ứng, nhãn dán vào video... Đây là một trong những điểm nhấn giúp TikTok vượt qua các đối thủ.
Việt Nam đứng vị trí thứ 6 (49,9 triệu người dùng tính tới tháng 1/2023) trong bảng xếp hạng 10 quốc gia có số người sử dụng TikTok nhiều nhất thế giới |
... nhưng cũng nhiều nội dung nhảm nhí, vi phạm
"Thực tế, TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội đang được sử dụng nhiều nhất đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mặc dù đang phát triển mạnh mẽ nhưng do TikTok là mạng xã hội mới, chưa chịu sự quản lý chặt chẽ, do đó nhiều nội dung trên nền tảng này chưa được chuẩn mực và tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là giới trẻ" - ông Nguyễn Bình Minh cho biết.
Cụ thể, người dùng dễ lướt gặp nhan nhản những video có nội dung 18+ trên TikTok, từ cách ăn mặc hớ hênh chỗ đến cố tình khoe khéo những điểm nhạy cảm trên cơ thể. Rồi những video "mời gọi" kiểu như: "U30 làm mẹ đơn thân đã lâu, cần tìm zai để tâm sự. Ai không chê thì nhắn tin cho mình..."; những video clip bán đồ chơi tình dục, thuốc kích dục…
Bên cạnh đó, cơ chế kiểm duyệt lỏng lẻo trong vấn đề bản quyền cũng là lý do rất nhiều tài khoản TikTok được thành lập chuyên cắt ghép các clip gây sốc trên mạng. Có những kênh nội dung vô bổ như đòi nợ, chửi nhau, quay lén thiếu văn minh cũng dễ dàng thu về lượng người xem và theo dõi khủng chỉ sau một đêm.
Song song đó là tình trạng câu view “quá đà” từ những review quảng bá sản phẩm, cùng với đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng xuất hiện tràn lan thiếu kiểm soát…
Những hình ảnh phản cảm từ các clip trên TikTok liên quan đến đoạn rap xúc phạm hình tượng Chú bé loắt choắt. |
Trước thực trạng này, thời gian qua, nhiều vụ vi phạm pháp luật từ ứng dụng TikTok đã được các cơ quan chức năng xử lý. Đơn cử, mới đây, Sở Thông tin Truyền thông TP.Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm và xử phạt tiền 7,5 triệu đồng đối với chủ tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ngoài tràn lan video trái thuần phong mỹ tục, tình trạng vi phạm bản quyền cũng thường xuyên xuất hiện. Vừa qua, dân mạng, đặc biệt là các bậc cha mẹ phẫn nộ vì bài thơ "Lượm" (Tố Hữu) bị biến tấu thành nhạc rác với những động tác nhảy nhót phản cảm của các em học sinh cho thấy một thực trạng đáng buồn đối với thế hệ học sinh hiện nay.
Theo báo cáo minh bạch của TikTok, trong quý IV/2022, nền tảng đã xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia công nghệ, động thái này của TikTok vẫn bộc lộ thiếu sót khi không thể ngăn chặn hoàn toàn các video xấu, độc. Bởi khác với Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok do thuật toán phân phối nội dung nên bất kể thông tin tốt hay độc hại sẽ tạo thành xu hướng trên nền tảng mạng xã hội này.
Trong quý IV/2022, nền tảng đã xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách, trong đó 94,9% là chủ động xóa |
Bên cạnh đó, nhiều người đã đặt câu hỏi cho các ê-kíp sản xuất và kiểm duyệt chương trình của TikTok. Họ cho rằng, các chương trình mải chạy theo tính giải trí để câu view mà không biên tập chỉn chu và để lọt lên sóng những nội dung hết sức phản cảm. Trong khi, với khoảng 45 triệu người dùng, TikTok đang là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ từ những clip giải trí nhưng những nguy cơ tác động, hệ luỵ của TikTok để lại cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ rất sâu xa và nguy hiểm.
Cần “công cụ” kiểm soát
Đánh giá về mạng xã hội TikTok, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, với mức độ tăng trưởng người dùng chóng mặt, ở mỗi quốc gia, mạng xã hội này được xây dựng với những mục đích chính trị, chiến lược, chủ đề khác nhau.
“Ngoài những mục đích trên, còn có mục đích ẩn chứa đằng sau mà mức độ xấu, độc của TikTok rất khó cảm nhận bởi nó không thể hiện ra ngay mà cần có sự phân tích về các tầng nấc văn hoá, tầng nấc giá trị mới thấy được tác hại của nó về lâu dài. Giống như tác hại của các hoá chất độc hại trong thực phẩm, người dùng không chết ngay, mà ngấm dần và phát sinh bệnh tật, dẫn đến huỷ hoại dần nguồn nhân lực quốc gia” – PGS.TS Nguyễn Văn Dững nói.
Trào lưu bổ cau "Đúng nhận sai cãi" từng lan truyền mạnh trên mạng xã hội TikTok. |
"TikTok hay các mạng xã hội là bề mặt của cuộc chiến công nghệ; bên trong là cuộc chiến phức hợp, mà rõ nhất là cuộc chiến hệ giá trị, cuộc chiến chủ quyền quốc gia trên không gian mạng". (PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền) |
Nhận định thêm về cơ hội cũng như những thách thức đang đặt ra cho TiTok hiện nay, Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Trọng Nhân, giảng viên Kỹ năng mềm Trường Đại học Công Nghệ TP.Hồ Chí Minh, cho biết, nếu nhìn nhận một cách khách quan, việc sử dụng mạng xã hội có sự phát triển so với quá khứ như một con dao hai lưỡi. Cụ thể, đây không đơn thuần là công cụ giải trí, tiếp cận thông tin mà còn là nền tảng để cá nhân có thể xây dựng thương hiệu, kiếm tiền.
“Bên cạnh đó, số lượng bài đăng, tuyên truyền, video giải trí, bán hàng vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây. Nếu không có cơ chế kiểm duyệt hiệu quả thì những sản phẩm “rác” có thể ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là trẻ dưới 18 tuổi. Ngoài ra, việc quảng bá cho những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ gây hại đến sức khỏe của người mua các sản phẩm đó”, ông Nhân nói.
Mới đây, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm của TikTok. Trong đó nhấn mạnh tới sự phát triển nhanh chóng của TikTok không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng.
“Từ năm 2022 đến nay, nền tảng TikTok có nhiều nội dung chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật. TikTok còn sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, người dùng. Không có biện pháp kiểm soát hiệu quả dẫn đến tình trạng nhiều hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên TikTok shop” - ông Lê Quang Tự Do nêu.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng chỉ ra lý do của thực trạng này, một phần do TikTok không quản lý chặt chẽ để một số idol (thần tượng) sử dụng nền tảng của mình truyền bá nội dung lệch lạc, lệch chuẩn, nhảm nhí, thiếu văn hóa. Đặc biệt, mạng xã hội này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là phim ảnh.
Không đơn thuần là công cụ giải trí, TikTok đang trở thành xu hướng có thể xây dựng thương hiệu, kiếm tiền. |
Ngoài ra, nền tảng xã hội này còn tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội hay khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc…
Trước những tồn tại của TikTok, dư luận băn khoăn, phải chăng có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý, hay thiếu công cụ kiểm soát? Chia sẻ vấn đề này ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, như kết luận của các cơ quan chức năng cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, những ảnh hưởng, hệ luỵ, tác động tiêu cực của nền tảng này đối với Việt Nam là rất rõ ràng.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội |
Tuy nhiên, theo luật sư Tiền, ở thời điểm hiện tại, công tác quản lý TikTok tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi lẽ, TikTok hay các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Youtube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Theo đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam là một vấn đề hết sức phức tạp, nan giải.
"Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2021/NĐ-CP về quảng cáo xuyên biên giới, giao nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhưng đến khi thực hiện, không phải tất cả các doanh nghiệp nước ngoài đều đăng ký hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông, dẫn đến những vướng mắc trong công tác quản lý cũng như công tác xử lý khi có vi phạm" - luật sư Tiền phân tích.
Ngoài ra, các nhà mạng như Facebook, TikTok không đặt máy chủ tại Việt Nam, nên việc kiểm soát, giám sát dòng tiền ra vào hay quản lý thuế cũng là một vấn đề còn khá “đau đầu”. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nội dung “bẩn” trên TikTok không được xử lý tận gốc mà chỉ dừng lại ở việc khắc phục hậu quả sau khi đã xảy ra vi phạm.
Cũng theo luật sư Tiền, trước những hệ luỵ và nguy hiểm tiềm ẩn từ những nội dung xấu, độc trên không gian mạng, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng công tác triển khai và xử lý vi phạm vẫn gặp một số khó khăn. Trong đó, vấn đề chính là những văn bản, tiêu chuẩn này chưa mang tính khái quát, tính dự báo cũng như mức chế tài xử phạt quá nhẹ. Điều này vô cùng tai hại khi cái xấu được phép tồn tại và tạo môi trường để làm cho nhiều cái xấu khác nảy sinh.
Theo các chuyên gia, cần khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để "siết" và lành mạnh hoá hoạt động TikTok tại Việt Nam |
Dù tương đối thành công tại Việt Nam và được dự báo là thị trường rất nhiều tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh, song nhiều chuyên gia cho rằng, do TikTok là một mạng xã hội mới phát triển nên sẽ khó đảm bảo hết tất cả những “rào cản” mới xuất hiện.
Trước những tồn tại đang đặt ra, để lành mạnh hóa môi trường hoạt động trên TikTok, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhấn mạnh, việc cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt những tồn tại, bất cập để điều chỉnh là cần thiết để nền tảng này phù hợp hơn với người Việt, cũng như đảm bảo được các yếu tố về quy định luật pháp, quản lý Nhà nước tại Việt Nam. Và hơn hết, chỉ khi có khung khổ pháp lý đủ mạnh nhằm lành mạnh hoá hoạt động TikTok, thì mới có thể đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng, lợi ích cho doanh nghiệp và quốc gia.
Hàng loạt quốc gia "tẩy chay" TikTok Trước những hệ luỵ, tác động tiêu cực của TikTok, Bộ trưởng Tư pháp Úc Mark Dreyfus ngày 4/4/2023 cho biết, nước này sẽ xóa ứng dụng TikTok khỏi tất cả các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu vì lo ngại về bảo mật. Mới đây, ngày 24/3, Slovakia đã tham gia vào danh sách các quốc gia cấm TikTok. Trước đó, chính phủ nhiều nước châu Âu đã cấm người làm việc trong các cơ quan chính phủ không được phép cài ứng dụng TikTok trên điện thoại làm việc của họ. Hà Lan, Bỉ và Anh quyết định cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ... |
Nhóm phóng viên