Tại báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023 của Công ty CP Cà phê Ea Pốk (UPCoM: EPC), đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán - Thẩm định giá và Tư vấn ECOVIS AFA VIỆT NAM đã đưa ra vấn đề cần nhấn mạnh.
Trụ sở Công ty CP Cà Phê Ea Pốk. Ảnh EPC |
Theo đó, ECOVIS cho biết, mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, tuy nhiên nhìn vào khoản lỗ thuần năm 2023 ở mức gần 10,9 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,2 tỷ đồng. Cùng với đó, Công ty đã lỗ lũy kế 49,6 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 3,5 tỷ đồng. Từ những điều này, đơn vị kiểm toán nhìn nhận thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Cà phê Ea Pốk.
Quay trở lại với báo cáo tài chính năm 2023, Cà phê Ea Pốk ghi nhận doanh thu đạt 30,1 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2022. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp gần 814 triệu đồng, cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 29,5 triệu đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đóng góp không đáng kể, chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng, trong khi khoản lợi nhuận khác ghi nhận lỗ tới 3,1 tỷ đồng, cùng kỳ cũng lỗ 1,6 tỷ đồng. Theo thuyết minh, nguyên nhân chủ yếu do phát sinh khoản lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định gần 3,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này đã tiết giảm đáng kể, giảm 39% so với năm 2022 xuống còn 4,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính gần như đi ngang so với cùng kỳ, ở mức hơn 3,1 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay.
|
Kết quả, Cà phê Ea Pốk lỗ ròng gần 10,9 tỷ đồng trong năm 2023. Trước đó, năm 2021 và 2022 doanh nghiệp này cũng ghi nhận lỗ lần lượt 19,2 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng. Trong các năm gần đây, chỉ duy nhất năm 2020 doanh nghiệp này kinh doanh có lãi, tuy nhiên con số cũng không đáng kể, chỉ vỏn vẹn 110 triệu đồng trong năm 2020. Đến cuối năm 2023, Công ty đang lỗ lũy kế hơn 49,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Cà phê Ea Pốk ở mức 76,5 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả đang ở mức 32,3 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm 28,2 tỷ đồng, các khoản vay này được Cà phê Ea Pốk vay tại Ngân hàng Agribank chi nhánh Cư M’Gar tổng cộng 5,5 tỷ đồng, còn lại là vay ở 22 cán bộ nhân viên trong Công ty. Trong danh sách các cán bộ nhân viên cho Công ty vay tiền, không phát sinh khoản vay của vị lãnh đạo đứng đầu công ty - Chủ tịch HĐQT Ngô Văn Hùng.
Nguồn: BCTC Cà phê Ea Pốk. |
Ngoài ra, theo cơ cấu vốn góp của chủ sở hữu, ông Hùng đã giảm vốn góp từ mức 40,8 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn chưa đến 800 triệu đồng. Có thể thấy, vị chủ tịch này đã khôn khéo “rút chân” trước tình hình kinh doanh thua lỗ.
Nguồn: BCTC Cà phê Ea Pốk. |
Mặc dù kinh doanh thua lỗ nặng nề, tuy nhiên mức thu nhập của người đứng đầu Cà phê Ea Pốk vẫn được đảm bảo. Với vị trí Chủ tịch HĐQT, ông được nhận 224 triệu đồng tiền lương trong năm 2023, ngoài ra ông còn nhận thêm 72 triệu đồng thù lao với vị trí Thành viên HĐQT.
Ngoài Cà phê Ea Pốk, ông Ngô Văn Hùng được biết đến là Chủ tịch, người đại diện pháp luật nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau.
Đầu tiên có thể kể đến Công ty CP Le DelTa. Le Delta thành lập vào ngày 31/10/2005, đóng trụ sở tại số A6 lô A, khu 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Tại thời điểm tháng 8/2018, vốn điều lệ của Le DelTa là 500 tỷ đồng, trong đó, ông Ngô Văn Hùng là cổ đông lớn nhất nắm 98% vốn Le Delta.
Theo đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 11/2021), vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 1.501 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố. Cũng tại thời điểm này, ông Hùng được biết đến nắm các vai trò quan trọng như Người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Le DelTa.
Le DelTa có thể coi là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của doanh nhân Ngô Văn Hùng khi là chủ đầu tư nhiều dự án quy mô lớn, trải dài trên nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực công nghệ chất thải rắn, Le DelTa vào tháng 5/2023 nằm trong cùng liên doanh với Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh cửu, tỉnh Đồng Nai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án có quy mô 12ha. Công suất xử lý rác thải: 300.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 2.286 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phải kể đến dự án Nhà máy rác - điện Hải Phòng với công suất xử lý 1.000 tấn chất thải rắn/ngày, 200 tấn chất thải rắn công nghiệp (Hải Phòng). Ngoài ra, Le DelTa cho biết cũng quan tâm việc xây dựng mà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Vĩnh Phúc, hay đề xuất làm dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ đốt kiệt tại phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa (sau đó không được UBND tỉnh chấp thuận).
Không những thế, Le DelTa còn thực hiện nhiều hợp đồng thi công xây dựng công trình, như: thực hiện thầu xây lắp và thiết bị thuộc dự án cải tạo, sửa chữa hệ thống điện trang trí một số tuyến đường đô thị trên địa bàn TP.Vĩnh Yên (tháng 9/2020); công ty cùng Lũng Lô 4 thực hiện gói thầu số 1 là toàn bộ bộ phần xây lắp xây mới Trụ sở TAND tỉnh Yên Bái thuộc dự án trụ sở làm việc TAND tỉnh Yên Bái (tháng 7/2015 …
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các thành viên của nhóm Le DelTa là Công ty TNHH Le DelTa 1, Công ty TNHH Le DelTa 2 và Công ty TNHH Le DelTa 3 là chủ đầu tư 3 dự án cùng tên "Hệ thống điện mặt trời áp mái" với quy mô từ 1.164,24 kWp đến 1.199,42 kWp nằm tại thị trấn Ea Pốk, Huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, thuê đất của Cà phê Ea Pốk (doanh nghiệp do doanh nhân Ngô Văn Hùng làm Chủ tịch HĐQT đã nói ở trên).
Nhóm Le DelTa còn có tham vọng ở lĩnh vực bất động sản. Năm 2016, Le DelTa hợp tác cùng Tây Giang Group và Công ty CP Xây lắp điện 1 (HOSE: PC1) thành lập Công ty CP Hoàng Gia Cao Bằng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 30%, 40% và 30%. Hoàng Gia Cao Bằng là chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoàng Gia Cao Bằng – Royal Hotel tổng mức đầu tư 624,775 tỷ.
Ngoài ra, ông Hùng cũng từng nắm 85% vốn và là Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Đầu tư MNB Việt Nam. Đây là chủ đầu tư dự án Le DelTa Hotel (tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, vào tháng 7/2017, ông đã thoái hết vốn và rời khỏi các vị trí cấp cao của công ty.
Ông Ngô Văn Hùng còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty CP Tập đoàn Công nghệ HTP (HTP Group) hoạt động chính trong lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (Dịch vụ trung gian thanh toán).
Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Ngân Gia Phát, được thành lập vào tháng 1/2019 với vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Ngô Trọng Tuấn (SN 1973).
Đến tháng 3/2021, công ty này chuyển mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, cơ cấu cổ đông lúc này bao gồm 4 thể nhân là các ông/bà: Nguyễn Cao Ninh (2%), Ngô Văn Hùng (53%), Nguyễn Thu Trang (20%), Phạm Thị Thùy Dương (25%).
HTP Group được biết đến là doanh nghiệp vận hành kênh trung gian thanh toán ví điện tử OmiPay.
Doanh nhân Ngô Văn Hùng còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên (Số nhà 379, Đường Mê Linh, Phường Khai Quang, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 8/2023), doanh nghiệp tăng vốn lên gần 99,7 tỷ đồng.
Xây dựng C47 nói gì khi bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ? Tại BCTC năm 2023, Kiểm toán TTP đã có ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản công nợ phải thu đối với bên đang ... |
Tập đoàn Dầu khí AnPha bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục Kiểm toán CPA Việt Nam cho biết, Tập đoàn Dầu khí AnPha ghi nhận nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 337,9 ... |
Đình Tư