Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Hành trình vạn dặm vì nước non Bác Hồ - tấm gương vĩ đại, cao đẹp nhất của phong trào thi đua yêu nước |
Ngày 30/6/1923 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Petrograd trên con tàu Karl Liebknecht với tờ thị thực nhập cảnh dưới bí danh Chen Vang cũng là khi Người chính thức lần đầu tiên đặt chân lên đất nước của Lênin. Lênin đã chỉ ra cho các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và các nước chậm phát triển con đường để giải phóng dân tộc mình, đó là con đường cách mạng vô sản. Cách mạng Tháng Mười và lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản V.I.Lenin đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt trong Nguyễn Ái Quốc, thôi thúc Người đến Liên Xô để học tập và trau dồi kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh sắp tới của dân tộc mình.
Bắt đầu từ ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc tập trung vào những hoạt động quan trọng bậc nhất, quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người tìm hiểu thực tế và nghiên cứu về Cách mạng tháng Mười, việc thiết lập Nhà nước Xô viết; tận mắt chứng kiến những thành quả cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản đứng đầu là Lenin mang lại; thấy rõ "trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam".
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ 2 từ phải) tham gia mít tinh đoàn kết quốc tế tại Liên Xô năm 1923 |
Người viết những bài báo đầu tiên trên đất nước Nga về Cách mạng tháng Mười, về chính quyền Xô viết và về Lenin. Người dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân (tháng 10/1923), phát biểu tại một số phiên họp của Đại hội và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Người tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (tháng 6/1924) và "trình bày trước Đại hội tình hình chung của các nước đế quốc và các nước thuộc địa, cùng tình hình riêng của Đông Dương; nêu những việc các đảng cộng sản đã làm được và những điều thiếu sót đối với phong trào cách mạng ở các thuộc địa". Sau đó Người "dự các cuộc Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ. Người cũng dự mit tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), mit tinh vì hòa bình thế giới (6/7)...
Từ đây Nguyễn Ái Quốc trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế có uy tín, trước hết là một trong những nhà lãnh đạo của Quốc tế Nông dân, người Việt Nam đầu tiên là cán bộ Phòng châu Á của Quốc tế Cộng sản. Cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, trước hết là mở đầu việc chuẩn bị cơ sở, tiền đề cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, mở ra cả quá trình cách mạng về sau.
Quãng thời gian ở Liên Xô/Liên bang Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà cả với phong trào giải phóng dân tộc, quyết định vận mệnh và tương lai của Việt Nam.
Khu vực cảng Gutuevskaia thuộc thành phố St.Petersburg, được xem là con tàu Karl Liebknecht cập bến ngày 30/6/1923 |
Sau chuyến đi đến đất nước của Lenin lần đầu tiên ấy, Nguyễn Ái Quốc còn trở lại Liên xô trong các khoảng thời gian vào năm 1927, các năm 1934-1938, tổng cộng là hơn 6 năm để học tập và hoạt động trong phong trào quốc tế cộng sản. Từ đó, Người dần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định đúng con đường đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Có thể nói trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau sự kiện ngày 5/6/1911 khi anh thanh niên Văn Ba rời Tổ quốc bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, sự kiện Người đặt chân lên đất nước của Lênin tròn 100 năm trước có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đó cũng là khi Người sớm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Như Người sẽ viết trong cuốn “Đường kách mệnh” sau này: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Quang Lộc