Tổng hợp các dự báo tăng trưởng năm 2022 trên thị trường của Bloomberg cuối tháng 3 tiếp tục cho thấy sự lạc quan, với mức dự phóng EPS năm 2022 của VN-Index được nâng thêm 1,5% so với kỳ vọng cuối tháng trước, lên mức 25%, Trong khi đó, mặc dù bối cảnh kinh tế chung phục hồi tích cực trong quý I, Mirae Asset vẫn giữ nguyên mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index 22%, thấp hơn so với mức tăng 35,6% trong năm 2021.
Kể từ tháng 11/2021, VN-Index giao dịch giằng co quanh ngưỡng P/E trung bình 10 năm cộng 1 độ lệch chuẩn. Dù vậy, Mirae Asset cho rằng, mức định giá hiện tại vẫn chưa quá cao so với lịch sử.
Theo nhận định nhóm chuyên gia, nhóm vốn hóa lớn (VN30 Index) và nhóm ngành tài chính (VN Finlead) có định giá tương đối hấp dẫn hơn nhóm vốn hóa vừa (VN70 Index). Nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa đã được định giá tương đối cao hơn thị trường chung (mặc dù độ biến động tương đối lớn hơn). Mirae Asset thận trọng hơn đối với dự phóng tăng trưởng của nhóm này, với mức dự báo tăng trưởng năm 2022 khoảng 31%, một phần do mức nền so sánh năm 2021 vốn đã khá cao.
Mặt khác, Mirae Asset đánh giá tiềm năng tăng trưởng cho nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) năm 2022 ở mức 28%, cao hơn với mức tăng trưởng kỳ vọng của thị trường chung do cả Bloomberg và Mirae Asset dự báo. Mức tăng trưởng này chủ chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.
Theo đó, lợi nhuận năm 2022 của ngân hàng được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm 2022, đạt mức 13% để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi; nhiều ngân hàng cải thiện tỷ lệ CASA trong năm 2021, tạo cơ sở cho việc duy trì NIM trong năm 2022; rủi ro nợ xấu có thể gia tăng, tuy nhiên, chi phí tín dụng sẽ được giảm bớt phần nào do nhiều ngân hàng đã ưu tiên trích lập dự phòng trong năm trước; triển vọng thu nhập ngoài lãi lạc quan.
Phân tách mức kỳ vọng tăng trưởng EPS 2022 của VN-Index theo ngành thì nhóm ngành duy trì đà tăng trưởng, có mức kỳ vọng tăng trưởng vượt trội hơn thị trường chung là bán lẻ, may mặc và trang sức, ngân hàng, bất động sản, xây dựng cơ bản, tiện ích, phần mềm và dịch vụ, y tế. Nhóm ngành phục hồi mạnh từ mức nền thấp của 2020, nhưng vẫn dưới ngưỡng trước đại dịch là vận tải (chủ yếu là hàng không) và dịch vụ tiêu dùng (bao gồm dịch vụ hàng không, khách sạn, du lịch.
Theo đó, các động lực tăng trưởng trong năm nay là chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 có quy mô khoảng 4% GDP tập trung vào chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm 2 điểm % thuế GTGT, giảm 2 điểm % lãi suất cho vay cho quy mô dư nợ dự kiến khoảng 1.000.000 tỷ đồng mỗi năm; tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, thị trường cũng phải đối mặt với các rủi ro trọng yếu, bao gồm áp lực tăng lạm phát trong nước do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao, có thể khiến Việt Nam tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng; trước rủi ro lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhanh sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Quỳnh Dương
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam