Mới đây, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) đã ra thông báo ngày 21/12 sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022.
Tỷ lệ thực hiện là 25%. Ngày chi trả cổ tức dự kiến là 11/1/2023. Với 641,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến SAB cần chi 1.603,2 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông đợt này.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, SAB đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Như vậy, công ty này sẽ phải trả cổ tức đợt 2 với tỷ lệ còn lại là 10%.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/10, cổ phiếu SAB tăng nhẹ 0,89% lên mức 193.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 137.000 đơn vị.
Cổ phiếu SAB ít biến động trong vòng 2 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView) |
Vừa qua, Sabeco cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với kết quả kinh doanh đột phá. Ghi nhận trong quý, Sabeco đạt hơn 8.635 tỷ đồng doanh thu - tăng gấp đôi so với số thu về cùng kỳ năm 2021. Trong số này, thu từ mảng bia chiếm tỷ trọng gần 90% doanh thu. Ngoài ra, các hoạt động bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và đồ uống có cồn của Sabeco cũng ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Biên lãi gộp quý 3/2022 của Sabeco cũng tăng lên mức 31,2% so với mức 26,7% cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá vốn bán hàng tăng chậm hơn cùng thời điểm (chỉ ở mức 5.940 tỷ đồng). Điều này đã giúp công ty thu về khoản lãi gộp gần 2.700 tỷ đồng - tăng gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
Nguồn: BCTC Sabeco |
Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khoản chi phí Sabeco cũng phải tăng mạnh các khoản chi liên quan hoạt động bán hàng (đạt 1.153 tỷ) và quản lý doanh nghiệp (trong đó có chi cho hoạt động quảng cáo và khuyến mại) là 210 tỷ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, SAB đang ghi nhận gần 900 tỷ đồng chi phí dành cho các hoạt động quảng cáo và khuyến mại.
Trong quý 3, công ty thu về hơn 284 tỷ đồng doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) trong khi chỉ chịu gần 10,6 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Khấu trừ các khoản thuế phí, SAB thu về khoản lãi ròng tăng gấp 3 lần quý 3/2021 với gần 1.400 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn giảm khoảng 400 tỷ so với gần 1.800 tỷ đồng lợi nhuận đạt được trong quý trước đó.
Tính chung 9 tháng năm 2022, tập đoàn ghi nhận tổng cộng 24.950 tỷ đồng doanh thu - tăng 44% so với cùng kỳ - tương đương thực hiện được gần 72% kế hoạch doanh thu cả năm; lãi sau thuế ghi nhận mức 4.424 tỷ đồng - tăng 75% YoY qua đó hoàn thành được hơn 96% chỉ tiêu lãi ròng cả năm 2022. Biên lãi gộp tháng đạt mức 31,9% - tăng nhẹ so với mức 29,5% cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Sabeco, nguyên nhân giúp doanh thu và lợi nhuận sau thuế cải thiện và cao hơn năm trước là nhờ cả nước đã thoát khỏi tình trạng đóng cửa và nhu cầu tiêu dùng bia tăng lên. Cùng kỳ năm 2021, một số địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là TP. HCM bị phong tỏa từ cuối tháng tháng 7 đến đầu tháng 10 đã khiến hoạt động bán hàng của Sabeco bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.949 tỷ đồng -tăng 11% so với đầu năm. Trong số này, ngoài 2.843 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, SAB cũng đang có tới 20.620 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn - tăng 21% so với đầu năm và chiếm tới 61% tổng tài sản của doanh nghiệp (nếu tình thêm cả khoản tiền mặt và tương đương, tỷ lệ này là hơn 69%). Đây chính là các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ghi nhận trong 9 tháng năm 2022, riêng khoản tiền gửi đã đem về cho Sabeco 701 tỷ đồng tiền lãi - tăng 12% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí lãi vay chỉ ở mức khiêm tốn - gần 32 tỷ đồng. Tương tự, công ty cũng thu về gần 63 tỷ đồng lãi từ chênh lệch tỷ giá trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá chỉ gần 17 tỷ.
Ngoài số dư hàng chục nghìn tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng kể trên, cơ cấu tài sản của Sabeco còn một số khoản mục như tài sản cố định gần 4.578 tỷ (chiếm 13,5% tổng tài sản); đầu tư tài chính dài hạn 2.178 tỷ (chiếm 6,4%);…
Hàng tồn kho của tập đoàn tính đến ngày 30/9 tăng lên mức gần 2.060 tỷ đồng trong đó trích lập dự phòng giảm giá hơn 76 tỷ. Nợ phải trả của SAB đến cuối kỳ ở mức 8.100 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng lên mức 25.845 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận ở mức 16.800 tỷ đồng.
Được biết hiện Công ty TNHH Vietnam Beverage vẫn là công ty mẹ nắm giữ trực tiếp hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB - tương ứng 53,59% góp. Cổ đông lớn còn lại là Bộ Công Thương do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC) quản lý trực tiếp với tỷ lệ vốn góp là 36%.
Theo một báo trên Asia Nikkei mới đây cho biết, Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) gọi Nhà máy bia Sabeco tại Việt Nam là "viên ngọc quý" của mình và sẽ không để vụt mất, nhất là trong bối cảnh lượng tiêu thụ bia đang phục hồi ở nền kinh tế đang trải qua thời kỳ bùng nổ.
Cụ thể ngày 27/9, thông qua cuộc họp báo thường niên, gã khổng lồ ngành đồ uống Thái Lan đã tiến hành dập tắt những tin đồn xuất hiện kể từ khi đơn vị này mua lại Sabeco vào năm 2017. Tại cuộc họp, các Giám đốc điều hành cho biết, ThaiBev đang sở hữu lợi thế lớn trong việc giành lại vị trí dẫn đầu ở Đông Nam Á thông qua Sabeco - công ty hiện đang chiếm lĩnh 40% thị trường bia Việt Nam.
Thapana Sirivadhanabhakdi, CEO ThaiBev Group khẳng định: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.
Trước đó năm 2017, ThaiBev đã mua lại 54% cổ phần của Sabeco với giá 4,8 tỷ USD. Việc thâu tóm Sabeco đã biến ThaiBev trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất khu vực về khối lượng nhưng vẫn phải gánh chi phí cao và lãi thấp trong những năm đầu tiên do Sabeco phải đương đầu với vấn đề quản lý chi phí và năng suất kém khi Nhà nước tiến hành thoái vốn.
Ông Michael Chye Hin Fah, Giám đốc điều hành hãng bia BeerCo nhấn mạnh ThaiBev không muốn mua lại cổ phần của SCIC. Trái lại, ông Thapana - CEO ThaiBev Group cho hay: "Cá nhân tôi muốn Chính phủ Việt Nam sẽ thoái phần vốn còn lại tại Sabeco... Việc có thanh khoản cao hơn trên thị trường sẽ giúp cải thiện định giá tổng thể cho đơn vị này”.
Nguyên Nam