Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng, đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tần suất tiếp xúc, trao đổi giữa ngân hàng - doanh nghiệp, cũng như chỉ đạo hạ lãi suất 4 lần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà cho biết hiện nay tình hình doanh nghiệp còn rất khó khăn, việc giảm lãi suất cho vay vẫn còn quá chậm so với việc giảm lãi suất huy động.
"Lãi suất tiền gửi giảm rất nhanh, tuy nhiên lãi suất cho vay lại không đồng tốc, giảm rất chậm. Cho tới nay, ít nhất lãi suất huy động đã giảm 2 điểm %, nhưng lãi suất cho vay mới giảm 0,5 - 1 điểm %”, bà Vinh chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Vinh cũng cho biết khi trao đổi về vấn đề này thì ngân hàng tại địa phương có phản hồi là "giảm 1% là nhiều vì ngân hàng cũng khó khăn và doanh nghiệp cần đồng hành với ngân hàng".
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng khó khăn với việc áp dụng Thông tư 02 về chính sách giãn nợ. Một doanh nghiệp chia sẻ với bà Vinh rằng khi đề cập đến việc giãn nợ, phía chi nhánh ngân hàng cho biết, để hiệu quả nhất thì doanh nghiệp nên thanh toán khoản nợ cũ rồi ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay để đảm bảo doanh nghiệp không bị giãn nợ, vì ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này đã nghe theo và thanh toán khoản nợ, nhưng đến khi vay lại thì chi nhánh ngân hàng trả lời rằng bây giờ phương thức đó không được hội sở phê duyệt, không được thực hiện.
Mặc khác, theo bà Vinh, lãi suất thấp, chi phí rẻ chưa phải là vấn đề lớn với doanh nghiệp lúc này. Trong khi đó về pháp lý, việc cải cách các thủ tục hành chính đang chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển của kinh tế. Sự chồng chéo giữa các luật, hay nhiều bộ luật đang được sửa đổi và trong thời gian chờ đợi cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa |
Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên nêu 5 kiến nghị tại Hội nghị. Bà cho rằng, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ ngân hàng trong việc dự báo chính sách như lãi suất, tỷ giá (đặc biệt là cần cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự bình đẳng khi tiếp cận nguồn vốn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là nên có sự ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ.
Thêm vào đó, kiến nghị ngành ngân hàng có chính sách ổn định lâu dài, lãi suất hiện tại cần duy trì trong trung và dài hạn. “Sự không ổn định là điều doanh nghiệp rất sợ, nhất là lãi suất”.
Đại diện Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên cũng kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý, các ngân hàng, cơ quan chính quyền rà soát để đưa ra chuẩn mực chung về cho vay.
Đại diện Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh lãi suất các nước trên thế giới tăng cao để kìm chế lạm phát, NHNN đã có sự cố gắng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Thực tế thời gian qua, nhiều TCTD đã có nhiều lần giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, đối với các khoản cho vay mới có lãi suất bình quân là 8%, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
Lý giải vì sao lãi suất cho vay giảm chậm, đại diện NHNN cho biết, vào thời điểm cuối năm 2022, do tình hình thanh khoản khó khăn, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên khá cao để đảm bảo thanh khoản, có nguồn vốn cho vay. Do đó, các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn, do chi phí vốn huy động cuối năm 2022 cao nên việc giảm lãi suất cho vay sẽ chậm hơn.
Về cơ chế cho vay, NHNN cũng đã sửa đổi một số cơ chế chính sách đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, chẳng hạn như cho vay theo phương thức điện tử.
Theo thông tin tại Hội nghị, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Tuy có sự cải thiện thời gian gần đây, nhưng mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm Việt Nam 2023 sáng 19/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho hay việc giảm lãi suất cũng phải từng bước và chắc chắn có độ trễ bởi vì có những khoản cho vay 1 - 2 năm mới thu nợ hay những khoản tiền gửi vài năm mới đáo hạn.
"Việc điều hành lãi suất cần phải thận trọng bởi nếu như mà quyết liệt quá hay nóng vội quá thì có thể dẫn đến một thời điểm nào đó khi độ trễ khi bắt đầu thực hiện được tác động đến nền kinh tế thì có thể dẫn đến sự thái quá và lúc đó lại phải cần chi phí để xử lý hiện tượng thái quá đó và đặc biệt trong vấn đề lãi suất", Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.
Ông Bùi Sỹ Dân, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên, chia sẻ trước đây khi nền kinh tế tăng trưởng tích cực, lãi suất tới 18 - 19%/năm thì doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt nhưng thời điểm hiện tại hoạt động kinh doanh không hiệu quả, áp lực lãi vay trở nên rất lớn.
Ông kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. “Tôi tin chắc rằng nếu NHNN vào cuộc sâu hơn nữa, lãi suất ngân hàng cũng có thể giảm thêm”, ông nói.
Giải đáp vấn đề này, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã hạ lãi suất điều hành đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi vay.
“Thực tế, tới thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay mới đã đạt khoảng 8%/năm. So với cuối năm 2022, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1 điểm %/năm”, bà Hằng cho biết.
"Số phận" các ngân hàng thương mại yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua ... |
11 “đơn thuốc chữa bệnh thừa tiền” của nhóm ngân hàng Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tốc độ tăng trưởng tín dụng có tăng nhưng chậm hơn năm ngoái. Nguyên nhân bởi nhiều ... |
Tỷ giá tăng mạnh trở lại, doanh nghiệp loay hoay ứng phó Sau khi hạ nhiệt vào cuối tuần trước, giá USD tại các ngân hàng đã tăng mạnh trở lại trong các phiên giao dịch đầu ... |
Khánh Linh (T/H)