Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) sau thời gian dài niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống đã có bước chỉnh mạnh tay. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng.
Một số ngân hàng tuần qua đã chính thức niêm yết bảng lãi suất huy động mới có phần chững lại. Ảnh minh họa |
Lãi suất huy động các kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng cũng giảm 0,4%/năm so với trước, xuống lần lượt là 9,4%/năm và 9,2%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), lãi suất tiền gửi tại quầy theo niêm yết mới nhất chỉ còn 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng thay vì mức 10,2-10,3%/năm trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi trực tuyến tại đây vẫn duy trì mức 9,75-9,8%/năm cho kỳ hạn 11-13 tháng.
Tiền gửi có kỳ hạn Prime Savings của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vốn được biết đến là sản phẩm huy động với lãi suất hấp dẫn nhất, từng có lúc lên đến 11%/năm, nay giảm còn 9,25%/năm.
Một sản phẩm khác của VPBank là ngân hàng số Cake by VPBank cũng giảm lãi suất huy động tối đa từ 9,7%/năm về còn 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) hiện niêm yết lãi suất cao nhất là 9,7%/năm cho tiền gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng, giảm 0,2%/năm so với trước.
Còn lãi suất huy động cao nhất của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) giảm từ 10%/năm về mức 9,2%/năm đối với sản phẩm tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) điều chỉnh giảm đồng loạt 0,4%/năm lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn. Như vậy, lãi suất cao nhất tại MSB hiện là 9%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 13 - 36 tháng; 8,9%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng.
Mới đây, trong văn bản chỉ đạo ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản nêu rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Hoàng Đức