Lãi suất ổn định hỗ trợ tiền Đồng tiếp tục tăng giá

26/09/2024 - 00:47
(Bankviet.com) Bất chấp tác động từ cơn bão số 3, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ cho tiền Đồng tiếp tục tăng giá.
VietinBank giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng thiệt hại do bão Yagi Thủ tướng đề nghị ngân hàng hiến kế về tăng trưởng tín dụng, lãi suất Xuất khẩu hàng hóa: Đón nhiều dấu hiệu khả quan

Xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu từ giữa năm nay và có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2025 - 2026. Đáng chú ý nhất là quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, khả năng giảm lãi suất điều hành khó có thể xảy ra năm nay.

“Tôi chưa thấy có yếu tố nào ủng hộ cho khả năng lãi suất giảm thêm. Dù Ngân hàng Nhà nước có nỗ lực giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở, song lãi suất liên ngân hàng vẫn cao, lãi suất trên thị trường dân cư cũng tiếp tục tăng” - TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế nhận định.

Thực tế, đầu tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm (từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8). Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua.

Giai đoạn trước, nhà điều hành sử dụng đồng thời công cụ lãi suất OMO và tín phiếu để hỗ trợ cho tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá đã hạ nhiệt và giảm về gần mức đầu năm, do vậy, diễn biến hạ lãi suất OMO được nhìn nhận là hợp lý để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống khi tín dụng tại nhiều ngân hàng đã có sự cải thiện.

Giá USD hôm nay ngày 27/7/2023
Tỷ giá đã hạ nhiệt và giảm về gần mức đầu năm. Ảnh: Minh Anh

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) - cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung sẽ duy trì như hiện tại trong thời gian tới, ngoại trừ một số gói ưu đãi lãi suất đã có từ trước như cho vay mua nhà ở xã hội, hay gói hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp chịu thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua.

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng chỉ ra, bất chấp tác động từ cơn bão số 3, tỷ giá USD/VND đã phục hồi đáng kể từ tháng 7. Các chuyên gia kinh tế của UOB kỳ vọng trong bối cảnh này Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất điều hành ổn định trong thời gian còn lại của năm nay, cùng với việc chú ý đến rủi ro lạm phát.

Từ đầu năm đến hết tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của Việt Nam đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5% của Quốc hội đặt ra. Theo đó, áp lực tăng giá có thể gia tăng sau sự gián đoạn trong sản lượng nông nghiệp, vì thực phẩm chiếm 34% trọng số CPI của Việt Nam. Theo UOB, Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão lũ, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất.

“Chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác” - UOB nêu. Đồng thời, các chuyên gia tại đây cho rằng, việc Fed công bố cắt giảm lãi suất 0,5% tại cuộc họp tháng 9 có thể làm tăng khả năng và áp lực đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc cân nhắc nới lỏng chính sách một cách tương tự.

Lãi suất ổn định hỗ trợ tiền Đồng tiếp tục tăng giá
Đồng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993. Ảnh: Tiến Dũng

Với diễn biến của tiền Đồng, UOB cho biết, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, Đồng Việt Nam đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2% để đạt mức 24.630 đồng/USD.

Áp lực bên ngoài từ sức mạnh của đồng USD đang giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn nữa của tiền Đồng.

Bất chấp tác động từ cơn bão Yagi, các chuyên gia tin rằng đà tăng trưởng của Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ, chủ yếu được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại. Bên cạnh đó, kỳ vọng về chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng của VND từ đây khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự như trong quý vừa diễn ra.

“Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ đạt khoảng 24.500 đồng/USD trong quý IV; 24.300 đồng/USD trong quý I/2025; 24.100 đồng/USD trong quý II/2025 và 23.900 đồng/USD trong quý III/2025” - các chuyên gia của UOB đưa dự báo.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, tỷ giá vẫn duy trì sự ổn định và đảm bảo thị trường ngoại tệ thông suốt, giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ, duy trì trạng thái ngoại tệ dương tại các ngân hàng thương mại và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặc dù có những tín hiệu tích cực, áp lực từ lãi suất USD cao vẫn là một thách thức đáng kể. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá có thể giảm áp lực trong những tháng cuối năm, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và kịp thời, nhằm đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương