Trong quý I/2024, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai các chương trình cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp phục vụ nhu cầu kinh doanh, đồng thời là cơ hội để người dân, doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn giá rẻ để đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất.
Hình minh họa. |
Tuy nhiên, bước sang quý II/2024, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng. Biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có mức tăng khiêm tốn hơn, tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
Điều chỉnh với biên độ lớn nhất phải kể đến Sacombank, khi đơn vị này thông báo tăng lãi suất huy động lên đến 0,5 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn, cao nhất ở các kỳ hạn ngắn hạn. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,4 điểm phần trăm lên 2,7% và 2,9%/năm; tăng thêm 0,5 điểm phần trăm đối với lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, lên mức 3,2%/năm. Các kỳ hạn 4 - 11 tháng được điều chỉnh tăng 0,3 điểm % và tăng 0,2 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng.
PVComBank cũng tăng lãi suất tiền gửi qua kênh online tại các kỳ hạn 18-36 tháng thêm 0,2 điểm %. ACB điều chỉnh tăng lãi 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng không nằm ngoài xu hướng chung, tuy nhiên mức tăng không lớn như các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Chẳng hạn như ở BIDV và VietinBank vừa điều chỉnh lãi suất ở một số kỳ hạn tăng 0,2 điểm % so với trước đó. Cụ thể, Vietinbank tăng 0,2 điểm % lãi suất đối với khách hàng gửi tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và tăng 0,4 điểm % đối với khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng, áp dụng cho kỳ hạn dưới 11 tháng. BIDV điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng tăng thêm 0,2 điểm % so với trước đó. Tuy nhiên, lãi suất tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn thấp nhất trong hệ thống.
Nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng lãi suất với biên độ tăng dao động từ 0,2 đến 0,5 điểm % dành cho một số kỳ hạn, nhưng tập trung nhất vẫn là các kỳ ngắn hạn.
Các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế mới chỉ phục hồi khiến nhiều người, nhất là doanh nghiệp lo lắng. Khi đây là thời điểm doanh nghiệp cần vốn để bứt tốc, nếu lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng gây áp lực trả nợ lớn.
Ngoài ra, lãi suất cho vay cao thường sẽ làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Khi lãi suất tăng, việc vay vốn để mua nhà, ô tô hoặc sử dụng thẻ tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến việc giảm đi sức mua hàng tiêu dùng. Vì thế, các hoạt động mua sắm hàng hóa tiêu dùng hàng ngày hoặc các khoản chi tiêu lớn thường được thúc đẩy khi lãi suất thấp.
Mặc dù vậy, theo khảo sát, các ngân hàng trên địa bàn vẫn triển khai rất nhiều các chương trình tín dụng ưu đãi cho các nhóm khách hàng, tập trung nhiều nhất cho các hoạt động xuất, nhập khẩu, nông, lâm, nghiệp, doanh nghiêp nhỏ và vừa…
Ngoài ra, theo mức lãi suất bình quân mà các ngân hàng công bố, lãi suất cho vay bình quân đang ở dưới ngưỡng 8%/năm, thậm chí thấp hơn mức 7%/năm. Cụ thể, với 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lãi suất cho vay bình quân lần lượt là: Agribank 7,47%/năm, Vietcombank 6,4%/năm, BIDV 6,49%/năm, VietinBank 6,3%/năm. Với các ngân hàng thương mại khác như: Eximbank lãi suất cho vay bình quân là 7,76%/năm, Techcombank 7,33%/năm, Nam A Bank 7,7%/năm…
Lãi suất cho vay hiện vẫn khá dễ thở và đang tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn phục vụ các mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Techcombank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm tại nhiều kỳ hạn Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ hôm 8/5 tại các kỳ hạn ... |
Lãi suất MBBank: Gửi tiết kiệm 500 triệu đồng nhận bao nhiêu tiền lãi? Theo khảo sát ngày 10/5, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) đang triển khai mức lãi suất tiết kiệm trong khoảng 2,1 - 5,6%, tuỳ ... |
Vân Anh