Ngân hàng nào có khả năng chống chọi tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp? | |
Cổ phiếu ngân hàng ngập sắc xanh đầu tuần, STB tăng trần khi có tin bán cổ phần tại VAMC |
Với tốc độ tăng lãi suất huy động của các ngân hàng như hiện nay, khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng cao. Với các ngân hàng nhỏ áp dụng lãi suất từ 8-9%/năm trong huy động vốn, biên độ thường cộng thêm khoảng 5-6% thì lãi suất cho vay mới khoảng 13-15%/năm. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước thường áp dụng biên độ cộng thêm khoảng 3-5%/năm thì lãi vay mới sẽ thấp hơn. Các khoản vay càng dài hạn thì lãi suất sẽ càng tăng cao.
Theo khảo sát mới nhất, sau thông báo nâng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mới đây, bên cạnh các ngân hàng vẫn duy trì chính sách cho vay cũ, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới từ đầu tháng 10. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tới 3,9 điểm %, nâng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 10,59%. Nhưng Techcombank lại có chính sách ưu đãi giảm trừ lãi suất vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi với từng nhóm khách hàng.
Ảnh minh họa |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng tới 1,5 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà từ 6,2%/năm lên mức 7,7%/năm. Ngân hàng HSBC cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà lên mức 7%/năm, tức là tăng thêm 0,8 điểm %.
Lãi suất vay mua nhà của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) trong tháng 12 năm nay đang là 15%/năm, cố định trong năm đầu tiên, biên độ dao động là 4,4%. Sau 1 năm ưu đãi, lãi suất sẽ tăng lên là 16,4%/năm, tuy vậy, người vay vẫn phải xếp hàng chờ giải ngân bởi OCB đã hết hạn mức tín dụng. Ngoài ra, để tránh trường hợp người vay tất toán trước hạn hay chuyển sang ngân hàng có lãi suất thấp hơn, OCB quy định mức lãi suất thực khi tất toán trước hạn trong năm đầu tiên là 19,91%. Như vậy, mức lãi suất của OCB đã tăng thêm từ 4-5%/năm so với đầu năm 2022. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hiện đang áp dụng lãi vay mua nhà ở mức 11-12%/năm tùy gói vay, thời hạn và đối tượng khách hàng.
Hiện vẫn có các ngân hàng đang áp dụng mức lãi vay mua nhà thấp từ 4,99-10,59%/năm nhưng lưu ý rằng, mức lãi suất ưu đãi chỉ được áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, từ 3-6 tháng vay đầu tiên. Sau đó, các ngân hàng sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường hoặc áp dụng lãi suất ở mức cao để bù đắp lại. Đáng chú ý, lãi suất thả nổi thường bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng cộng với biên độ lãi suất khoảng 3-5%/năm hoặc bằng lãi suất cơ sở được ngân hàng công bố cộng thêm biên độ 3-5%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay mua nhà sau thời gian ưu đãi sẽ tăng lên rất nhiều, người vay có thể phải chịu lãi suất từ 11-13%/năm.
Đơn cử, lãi suất vay mua nhà thấp nhất đang thuộc về Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là 4,99%/năm. Tuy nhiên, MSB chỉ cố định mức lãi suất này trong 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 trở đi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi theo lãi suất thị trường. Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5%/năm nhưng chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu, từ tháng thứ 7 sẽ áp dụng lãi suất thả nổi là 12%/năm.
Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi vào ngày 23/9, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà. Trong đó, nhiều ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thường có chính sách lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà hấp dẫn chưa đến 6%/năm thì nay đã tăng lên 8-9,5%/năm.
Từng là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất trên thị trường với mức 4,9%/năm nhưng nay Shinhan Bank đã tăng lãi vay mua nhà lên 8,2%/năm trong năm đầu tiên, vay 36 tháng lên 8,9%/năm; vay cố định 60 tháng lên 9,5%/năm. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện ngân hàng này đã hết hạn mức tín dụng cho vay. Đến ngày 1/1/2023, khi có hạn mức mới, ngân hàng mới giải ngân theo thứ tự đăng ký. Các ngân hàng UOB, Hong Leong Bank, Woori Bank hiện đang có các gói vay với lãi suất ưu đãi từ 6,49-7,92%/năm.
Như vậy, lãi suất cho vay mua nhà tháng 12/2022 đã tăng chóng mặt so với hồi cuối năm 2021 do ảnh hưởng của cuộc đua lãi suất đầu vào. Trên thực tế, từ tháng 9, một số ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh tăng lãi suất khiến không ít người vay mua nhà đang phải gồng mình "gánh" mức lãi suất từ 11-15%/năm khi không được hưởng nhiều gói tín dụng ưu đãi như trước đây. Mặt khác, lãi suất vay tại các ngân hàng qua hình thức xác minh thu nhập cũng lên tới gần 25%/năm, tăng thêm từ 5-7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng hỗ trợ hình thức vay này.
Trong báo cáo mới đây của công ty chứng khoán SSI, so với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2% ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3 - 4% ở các ngân hàng tư nhân. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động đã quay về thời điểm trước dịch Covid-19. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay vọt lên rất cao, nhiều doanh nghiệp than phiền phải vay với mức lãi suất 15 - 16%/năm.
Tuy nhiên, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay nhưng chỉ giảm tới hết tháng 12, chứ chưa có kế hoạch cho năm 2023. Các khách hàng đang gồng mình trả lãi ngân hàng hy vọng lãi vay sẽ được giảm trên diện rộng và được kéo dài thời gian giảm lãi.
Ngân hàng Vietcombank và HDBank đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đến 3,5%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng đối với một số nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12.
Theo báo cáo tình hình hoạt động quý 3/2022 của Bộ Xây dựng, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8/2022 đã giảm hơn 7.340 tỷ đồng so với tháng 6 xuống 777.235 tỷ đồng.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội diễn ra trong chiều 3/11/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro. Thị trường bất động sản cần huy động nguồn lực qua nhiều kênh vốn để phát triển.
Thu Thủy