Lâm Đồng tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ

05/10/2024 - 02:32
(Bankviet.com) Trong chỉ thị mới ban hành, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ, thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực yếu, làm việc thiếu trách nhiệm.

Chậm tham mưu, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 3/10, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch Lâm Đồng đã ký ban hành Chỉ thị số 5/CT-UBND về nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất giải quyết công việc của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu, thời gian qua, các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy vậy, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị chưa quyết liệt trong việc rà soát, đề xuất giải pháp điều chỉnh, khắc phục tính chồng chéo của các loại quy hoạch, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách, giải ngân đầu tư công, thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, qua theo dõi cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương…

Chủ tịch Lâm Đồng Trần Hồng Thái yêu cầu chấn chỉnh thực trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Chủ tịch Lâm Đồng Trần Hồng Thái yêu cầu chấn chỉnh thực trạng cán bộ thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị, vai trò người đứng đầu còn mờ nhạt, thiếu quyết đoán; tập thể lãnh đạo chưa thể hiện sự đoàn kết, đồng thuận cao; kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng đúng mức.

Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước; Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, kéo dài, kiến nghị vượt cấp có dấu hiệu gia tăng.

Chỉ thị nêu, những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Thay thế cán bộ yếu năng lực, đùn đẩy trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu ra nhiều ý kiến chỉ đạo để chấn chỉnh thực trạng nêu trên. Trong đó, ông yêu cầu thành viên UBND tỉnh, Giám đốc/Thủ trưởng các sở, cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế làm việc;

Rà soát tổng thể và khẩn trương tham mưu xử lý dứt điểm các công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao còn tồn đọng; Chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với tiến độ, chất lượng và kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao hoặc các nhiệm vụ được phân công, ủy quyền; Tuyệt đối không để công việc tồn đọng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp;

Cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời;

Có cơ chế giám sát, hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng...

Thủ trưởng các cơ quan trong đó có Chủ tịch UBND TP Đà Lạt được giao Có cơ chế giám sát, hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục trong lĩnh
Thủ trưởng các cơ quan trong đó có Chủ tịch UBND TP Đà Lạt được giao có cơ chế giám sát, hình thức xử lý, kỷ luật nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp...

Với Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong toàn tỉnh, ông Thái yêu cầu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo, chấn chỉnh, động viên nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, chất lượng tham mưu, hiệu quả giải quyết công việc và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; chủ động giải quyết dứt điểm đơn, thư, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; không để công dân kiến nghị vượt cấp và chờ cấp trên giải quyết thay; không để phát sinh “điểm nóng” hoặc các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Chủ tịch Trần Hồng Thái cũng yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; xây dựng kế hoạch và có giải pháp phù hợp để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tại chỉ thị này.

Kịp thời rà soát, tham mưu UBND tỉnh thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đồng thời, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân quyết liệt trong thực thi công vụ, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán