Lần đầu tiên Việt Nam có người sở hữu tài sản vượt 9 tỷ USD, giàu hơn cả Chủ tịch Samsung
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một tỷ phú sở hữu khối tài sản hơn 9 tỷ USD, vượt cả Chủ tịch Samsung - một dấu ấn mới cho vị thế doanh nhân Việt trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Ngày 8/5/2025 đánh dấu một cột mốc chưa từng có trong lịch sử thị trường tài chính Việt Nam, khi Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup lần đầu tiên được Forbes ghi nhận sở hữu khối tài sản vượt mốc 9 tỷ USD, trở thành người giàu nhất Việt Nam với vị trí thứ 330 thế giới.

Đáng chú ý hơn nữa, với khối tài sản này, tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã vượt qua cả Chủ tịch Tập đoàn Samsung – ông Jay Y. Lee, người hiện đứng thứ 352 trên bảng xếp hạng của Forbes với tài sản ước tính 8,6 tỷ USD.


Đây là lần đầu tiên một doanh nhân Việt Nam vượt mặt biểu tượng công nghiệp hàng đầu châu Á – không chỉ về giá trị tài sản, mà còn là dấu hiệu cho thấy sự nổi lên ngày càng rõ nét của doanh nhân tư nhân Việt trên bản đồ quyền lực tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng bảng xếp hạng tài sản của Forbes mang tính tham khảo, nhưng vẫn là chỉ dấu quan trọng phản ánh kỳ vọng thị trường vào các tập đoàn đầu ngành. Và trong trường hợp này, VIC chính là “ngòi nổ” giúp tài sản của ông Vượng "nhảy số" ấn tượng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 8/5, cổ phiếu VIC tăng hết biên độ (+6,95%), đóng cửa tại mức 78.500 đồng/cổ phiếu – mức đỉnh cao nhất trong vòng 2 năm qua. Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,1 triệu đơn vị, đóng góp tới 4,65 điểm (nhiều nhất toàn thị trường) cho VN-Index trong phiên tăng 19,43 điểm.
Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của VIC. Một ngày trước đó, mã này cũng đã bật tăng 4,11% với thanh khoản lên tới 15 triệu đơn vị – mức giao dịch cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung 2 tháng gần đây, VIC đã tăng hơn 75%, trở thành mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30.

Với diễn biến này, vốn hóa thị trường của Vingroup đã vượt mốc 300.000 tỷ đồng (~12 tỷ USD), vững chắc ở vị trí doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Một trong những động lực lớn nhất cho VIC đến từ sự kiện niêm yết của Vinpearl – công ty con do Vingroup sở hữu 85,5%. Theo kế hoạch, ngày 13/5 tới đây, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL sẽ chính thức chào sàn HoSE với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá gần 130.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD).
Con số này cũng giúp Vinpearl lọt top doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, vượt qua nhiều tên tuổi kỳ cựu như Masan, Vinamilk hay ACB. Và như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có thêm một doanh nghiệp tỷ USD trên sàn, sau Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail và VEFAC.
Không dừng lại ở đó, Vinpearl trước đó cũng đã gây tiếng vang khi huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng từ 105 nhà đầu tư trong đợt phát hành cổ phiếu đầu năm 2025.
Ngoài cú hích từ Vinpearl, tập đoàn Vingroup cũng liên tục đưa ra thông tin tích cực về hoạt động của VinFast, cũng như kế hoạch mở rộng sang hai trụ cột chiến lược mới: hạ tầng và năng lượng.
Tại ĐHĐCĐ 2025, ông Phạm Nhật Vượng cho biết tập đoàn sẽ đầu tư mạnh vào các tuyến đường sắt (Phú Mỹ Hưng – Cần Giờ, Hà Nội – Quảng Ninh), các cảng và hệ thống năng lượng xanh. “Chúng ta làm xe điện mà dùng nhiệt điện thì không thể gọi là xanh. Việt Nam thiếu điện, và doanh nghiệp lớn cần chung tay vì đất nước”, ông Vượng nhấn mạnh.