Làn sóng tăng vốn ngân hàng trong năm 2022

18/04/2022 - 23:35
(Bankviet.com) Các ngân hàng hé lộ kế hoạch tăng vốn trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm nay. Hầu hết ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng từ 20-40% vốn điều lệ, thậm chí tăng hơn 60% thông qua nhiều phương án khác nhau.

Bước vào mùa đại hội cổ đông thường niên 2022, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận "khủng", những thay đổi lớn về nhân sự,... thì tăng vốn cũng là một trong những kế hoạch hết sức quan trọng mà hầu hết ngân hàng đặt ra trong năm.

Việc sở hữu bộ đệm vốn dày sẽ giúp các nhà băng có lợi thế trong việc được Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét cấp room tín dụng, gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đảm bảo sớm hoàn thành tiêu chuẩn Basel II và tiến đến Basel III. Đồng thời giúp ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.

Cho năm 2022, hầu hết ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng từ 20-40% vốn điều lệ, song cũng có nơi dự kiến tăng vốn đến 60-70% thông qua nhiều phương án như phát hành cổ phiếu trả cổ tức, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ vốn chủ sở hữu, phát hành riêng lẻ,...

Đáng chú ý, ngôi vị quán quân vốn điều lệ dự báo sẽ tuột khỏi tay "ông lớn" BIDV, thay vào đó là một ngân hàng tư nhân.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông mới công bố, VPBank đặt kế hoạch tăng vốn khủng lên trên 79.000 tỷ đồng thông qua hai đợt trong năm là phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông ngoại.

Trong đợt 1, ngân hàng dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu. Đợt phát hành sẽ được thực hiện dự kiến vào quý II hoặc quý III/2022.

Đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ tối đa 1,9 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ.

Như vậy, vốn điều lệ của VPBank dự kiến tăng lên 79.334 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống nếu hoàn tất hai đợt phát hành trên.

Ngoài ra, VPBank cũng sẽ trình phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ.

2722-vyn-yiyu-ly
Kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng trong năm 2022

Bên cạnh VPBank, hai ngân hàng khác cũng gia nhập câu lạc bộ tăng vốn cao là OCBNam A Bank. Cụ thể, Nam A Bank sẽ trình đại hội cổ đông phương án tăng vốn điều lệ của năm 2022 thêm 4.000 tỷ đồng từ hơn 6.564 tỷ đồng lên hơn 10.564 tỷ đồng. Phương án tăng vốn cũ của năm 2021 chưa thực hiện sẽ loại bỏ.

Theo phương án mới, việc tăng vốn sẽ được thực hiện bằng ba cách gồm phát hành 190 triệu cổ phiếu để trả cổ tức; chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán riêng lẻ 160 triệu cổ phiếu.

Ngân hàng sẽ dùng 1.900 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa là 28,9439%. Trong đó tỷ lệ cổ tức năm 2020 (đã được ĐHĐCĐ năm 2021 phê duyệt) là 10,2075%, còn tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 18,7364%.

Còn tại OCB, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng thông qua phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và 0,88 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược Ngân hàng Aozora. Phương án này ngân hàng đã nộp hồ sơ cho NHNN, đang chờ chấp thuận.

Đồng thời sẽ phát hành hơn 412 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30% sau khi các phương án trên hoàn tất.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%. Mức vốn điều lệ sau khi phát hành dự kiến tăng từ 47.325 tỷ lên 55.891 tỷ đồng, đứng ngay sau VPBank.

Trong khi đó, VietinBank dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ năm 2021 là hơn 9,624 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Như vậy nếu thực hiện chia cổ tức xong, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm khoảng 20%. Phương án phân phối lợi nhuận của ngân hàng sẽ được trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được thực hiện.

Phương Thảo

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán