MWG cho chuỗi Thế Giới Di Động vay tối đa 5.000 tỷ đồng |
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG từ ngày 14/11 - 13/12 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Hiện người đứng đầu MWG có sở hữu trực tiếp hơn 34,1 triệu cổ phiếu MWG. Do đó, nếu mua thành công toàn bộ, lượng sở hữu của ông Tài sẽ tăng lên 35,1 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,4% cổ phần doanh nghiệp.
Cùng với đó, Tổng giám đốc MWG Trần Huy Thanh Tùng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 11/11 đến 9/12.
Ông Tùng hiện tại nắm giữ trực tiếp hơn 10,6 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 0,7% cổ phần doanh nghiệp. Nếu mua vào đủ số lượng như đăng ký, tỷ lệ sở hữu của ông tại Thế Giới Di Động sẽ tăng lên 0,8%.
Ông Tài và ông Tùng là 2 thành viên còn lại trong nhóm sáng lập gắn bó với công ty từ ngày đầu thành lập năm 2004 đến nay. Các thành viên sáng lập khác gồm ông Trần Lê Quân, ông Điêu Chính Hải Triều, ông Đinh Anh Huân đều đã rút khỏi vị trí điều hành.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG trong 2 phiên gần nhất đã giảm sàn về 42.850 đồng (ngày 7/11), tức mất hơn 40% giá trị sau 2 tháng gần nhất và về lại vùng giá hồi tháng 8/2020. Tạm tính theo thị giá 7/11, số tiền ông Tài và ông Tùng dự kiến chi ra để hoàn tất giao dịch lần lượt là khoảng 43 tỷ và hơn 21 tỷ đồng.
Sau tin lãnh đạo dự chi hàng chục tỷ để đỡ giá, MWG đã ngắt chuỗi giảm sàn và hồi phục mạnh trong phiên hôm nay. Chốt phiên 8/11, cổ phiếu MWG tăng 4,08% lên mức 44.600 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt hơn 4,1 triệu đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu TAR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView |
Lần gần nhất, ông Tài giao dịch cổ phiếu này là cách đây một năm. Người đứng đầu MWG khi đó bán 1 triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân. MWG giai đoạn đó dao động quanh 130.000-135.000 đồng/cp, mức cao nhất trong năm 2021 và liên tục được các công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào.
9 tháng đầu năm nay, MWG đạt doanh thu hơn 102.800 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.480 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này mới đạt phân nửa chỉ tiêu cả năm của doanh nghiệp. Tính riêng quý 3, đại gia bán lẻ này lãi hơn 900 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên MWG ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
MWG đã thực hiện tái cơ cấu nợ, chuyển một phần nguồn tài trợ vốn lưu động từ nợ ngắn hạn sang dài hạn. Các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả trong quý 4 đã được Công ty chuẩn bị sẵn sàng nguồn tiền để trả. Khoản vay dài hạn mới (đáo hạn năm 2025) đã hoàn tất giải ngân cuối quý 3.
Trong quý cuối năm, doanh nghiệp này sẽ dừng mở mới cửa hàng, ngoại trừ những cửa hàng có tính thử nghiệm hoặc có thể mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Doanh nghiệp này muốn ưu tiên bảo vệ dòng tiền hoạt động nhằm trụ vững qua giai đoạn thách thức và tăng tốc trở lại khi thị trường thuận lợi hơn.
Thời gian gần đây, mạng xã hội lan truyền một số thông tin không chính xác về các khoản đầu tư ngắn hạn của MWG. Công ty sau đó đã có văn bản thông báo đến cổ đông. Cụ thể, Công ty cho biết khoản mục “Đầu tư Tài chính ngắn hạn” trong BCTC hợp nhất quý 3 với giá trị 8.846 tỷ đồng, gồm 7,235 tỷ đồng là tiền gửi tại các ngân hàng uy tín và không có vấn đề về thanh khoản, có thời hạn còn lại từ 1-6 tháng và 1.611 tỷ đồng là các khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn.
Trong 1.611 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn thì 100% trái phiếu mà Công ty đầu tư đến hạn thanh toán trong 1-3 tháng tới, đây là những trái phiếu có tài sản đảm bảo và cam kết mua lại từ đơn vị bảo lãnh theo hợp đồng. Danh mục đầu tư của Công ty cũng đa dạng từ hơn 10 tổ chức phát hành. Trong đó, 80% không liên quan đến ngành bất động sản, đây là trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực tài chính, sản xuất, dịch vụ.
MWG nhấn mạnh 100% trái phiếu hoàn toàn không có mối quan hệ nào với các doanh nghiệp/tập đoàn và các ngân hàng/công ty chứng khoán đang bị điều tra hay nhắc đến gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến các sai phạm trong phát hành trái phiếu.
Khánh Vân