Mới đây, theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) công bố, dự kiến Đại hội sẽ được tổ chức ngày 24/4 tới đây.
Theo đó, dự kiến trong kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông, công ty chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 5:1, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được cấp 1 quyền mua và cổ đông sở hữu 5 quyền mua sẽ được quyền mua 1 cổ phiếu.
Giá chào bán dự kiến là 10.500 đồng/cp, thấp hơn 57% so với giá cổ phiếu VCG đóng cửa phiên vào ngày 5/4 (24.800 đồng/cp). Dự kiến số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.197 tỷ sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, và nhà cung cấp phải trả trong năm 2024 và 2025.
Dự kiến thời gian phát hành là trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2025 sau khi đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không có hạn chế về việc chuyển nhượng. Vốn điều lệ của Vinaconex dự kiến sẽ tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.183 tỷ đồng sau đợt phát hành cổ phiếu.
Vinaconex lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho năm 2024 trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2024 được dự báo sẽ không mang lại thu nhập đáng kể từ lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, như đã phân tích, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset gần đây đã công bố một báo cáo về Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam với tiêu đề "Lợi nhuận giảm sút".
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu VCG là 1.197 tỷ đồng sẽ được Vinaconex dùng để thanh toán các khoản nợ đến hạn |
Theo nhóm chuyên gia từ Mirae Asset, họ cung cấp số liệu cho thấy rằng trong năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm mạnh, chỉ còn 378 tỷ đồng so với mức 783 tỷ đồng trước đó (-52% so với cùng kỳ năm trước). Nếu không có khoản trích lập dự phòng 431 tỷ đồng, lợi nhuận có thể sẽ giảm thấp hơn nhiều.
Theo báo cáo, trong năm 2023, lĩnh vực xây dựng vẫn là động lực chính cho sự tăng trưởng của công ty, chiếm 74% tổng doanh thu. Tuy nhiên, năm đó cũng là năm đầu tiên mảng xây dựng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp âm, giảm xuống -3,8% so với mức 2,7% của năm trước.
Trong khi đó, mảng bất động sản, trái ngược với năm trước, đã ghi nhận tăng trưởng về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp, với doanh thu đạt 2.315 tỷ đồng (+992% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận gộp đạt 493 tỷ đồng (+1.108% so với cùng kỳ năm trước).
Mirae Asset cho biết doanh thu này có thể đến từ việc hoàn thành dự án Green Diamond và 99 biệt thự tại Cát Bà Amatina, mặc dù công ty không tiết lộ chi tiết về việc ghi nhận doanh thu.
"Tính đến thời điểm hiện tại, mảng này gần như không mang lại thu nhập do việc phát triển các dự án tiềm năng chưa tiến triển và thông tin về chúng còn hạn chế. Chúng tôi không kỳ vọng sẽ có thu nhập đáng kể từ lĩnh vực bất động sản trong năm 2024", Mirae Asset nhận định.
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, năm 2024 Vinaconex lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập 15.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 950 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện 2023; trong đó, kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ là 10.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 860 tỷ đồng; tăng 20% và 291% so với cùng kỳ.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Vinaconex đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% bằng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, doanh nghiệp dự định phát hành hơn 64 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100: 12.
Trong một diễn biến khác, Vinaconex được UBND TP. Hà Nội trao quyết định chủ trương đầu tư dự án 6.300 tỷ đồng tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Theo đó, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Công bố quyết định chủ trương đầu tư và trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (huyện Đông Anh).
Dự án do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, Khu công nghiệp Đông Anh có diện tích đất 299,45 ha với tổng vốn đầu tư trên 6.338 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 179,1 ha; giai đoạn 2 là 120,35 ha. Đây là dự án bất động sản khu công nghiệp lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của Vinaconex.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 10 khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất.
Hiện tại, UBND TP.Hà Nội đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát hiện trạng các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cũng như người lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Ngoài ra, huyện Đông Anh cần rà soát các vấn đề hạ tầng đấu nối ngoài hàng rào, đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt bằng, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường; chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan chậm nhất quý 1/2025 khởi công dự án.
Trước đó, ngày 8/3/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, Hà Nội. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.
Dragon Capital mạnh tay xả hàng chục triệu cổ phiếu VCG sau hơn 1 tháng mua vào Theo thông báo mới nhất, Dragon Capital bất ngờ đăng ký bán hơn 17 triệu cổ phiếu VCG. |
Vinaconex (VCG) là chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Đông Anh gần 300 ha Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. ... |
Giao dịch khối ngoại tuần 1-5/4: Nhóm midcaps "dậy sóng", NVL được gom mạnh 2 phiên cuối tuần Mặc dù nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh trong tuần, nhưng việc khối ngoại trở lại mua ròng vào cuối ... |
Tuấn Khải