Liên kết đào tạo - chìa khóa để phát triển nhân lực ngành Công Thương

03/08/2024 - 18:51
(Bankviet.com) Các mô hình liên kết đào tạo sẽ tạo điều kiện giúp các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương nâng cao chất lượng giáo dục.
Thúc đẩy mô hình liên kết đào tạo Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát các trường liên kết đào tạo với nước ngoài Cần chiến lược tổng thể liên kết giữa các trường đại học trong đổi mới sáng tạo

Lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

Thông tin tại Toạ đàm “Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp” do Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương tổ chức mới đây, TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương - cho biết, nhu cầu nhân lực quý I/2024 theo các khu vực kinh tế có nhiều sự chênh lệch. Cụ thể, ngành Thương mại - Dịch vụ có nhu cầu cao nhất với 72,63%, kế tiếp là ngành Công nghiệp - xây dựng (27,23%) và ngành Nông lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ có 0,14%.

Đáng chú ý, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thể hiện rõ khi tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng lên từ 22,8% năm 2001 lên 29,6% năm 2010 và 39,1% năm 2022.

Liên kết đào tạo - chìa khóa để phát triển nhân lực ngành Công Thương
TS. Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết, hiện nay nhiều lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ

Lượng lao động trong ngành Dịch vụ tăng 5.985 triệu người từ năm 2001- 2010 và 5.377 triệu người từ năm 2010 - 2022, chủ yếu là lao động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, vận tải kho bãi, thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản.

Lực lượng lao động ngành Công nghiệp từ năm 2001 - 2010 tăng đáng kể là 5.137 triệu người với tỷ trọng bình quân là 18,2% và từ năm 2011 - 2020 là 28,1%. Tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng ổn định khoảng 32,25% trong tổng nhu cầu lao động trong giai đoạn 2019 - 2022 và đạt 33,3% trong năm 2022.

Trên cơ sở đó, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương nêu giải pháp trong chuyển dịch cơ cấu lao động là phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đầu tiên là việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo kỹ năng nghề ngay tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để giảm chi phí đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho các cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Liên kết đào tạo - chìa khóa để phát triển nhân lực ngành Công Thương
Toạ đàm “Chính sách và nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ: Hiện trạng và giải pháp”

Bên cạnh đó tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động; mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Chú trọng hình thành thị trường dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp và tiến hành xã hội hoá sâu rộng trong giáo dục nghề nghiệp.

Kết nối để đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo

PGS, TS. Phạm Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp - cho biết, gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, trong tất cả lĩnh vực đào tạo, Nhà trường đặc biệt đánh giá cao vai trò nguồn nhân lực ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Theo PGS, TS. Phạm Thị Thu Hoài, để cung cấp được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung và cho ngành Công Thương nói riêng, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương cần kết nối để đẩy mạnh công tác giáo dục đào tạo.

Liên kết đào tạo - chìa khóa để phát triển nhân lực lĩnh vực Công Thương
PGS, TS. Phạm Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp phát biểu tại toạ đàm

Chia sẻ về công tác đẩy mạnh nguồn nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ theo mô hình đào tạo liên kết giữa các trường cao đẳng, đại học, PGS, TS. Nguyễn Hữu Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp - cho biết, thực trạng hiện nay nhu cầu xã hội đang tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Cụ thể như một số ngành: Điện tử, Dệt may, Chế biến thực phẩm, Quản lý chuỗi cung ứng, Tiếp thị kỹ thuật số, Dịch vụ khách hàng, Dịch vụ Công nghệ thông tin, Quản lý du lịch….

Tuy nhiên, phân tích từ thực trạng hiện nay, cơ cấu nguồn nhân lực đang phân bố không đồng đều và tỷ lệ lao động qua đào tạo đang ở mức thấp. Hơn hết, năng lực của nguồn nhân lực nhìn chung chưa được đánh giá cao khi nhiều sinh viên sau khi ra trường còn thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ và kỹ năng ngoại ngữ.

Về phía đơn vị đào tạo chưa có sự đồng đều trong năng lực đào tạo và không phát huy được năng lực, thế mạnh của từng trường. Vẫn còn tình trạng đào tạo thừa nhân lực trong nhiều lĩnh vực. Do đó, để đáp ứng cơ cấu nguồn nhân lực và nâng cao năng lực đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, các cơ sở đào tạo bên cạnh việc phát huy những thế mạnh của mình cần đầu tư và phát huy các chương trình liên kết với các trường uy tín nước ngoài, tăng cường liên kết giữa các trường thuộc Bộ Công Thương với nhau.

“Trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, nhu cầu nhân lực ngành Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ ngày càng cao cùng với những đòi hỏi lớn về chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng những tiêu chuẩn mới. Do đó, các mô hình liên kết đào tạo sẽ tạo điều kiện giúp các trường đại học nói chung, các trường thuộc Bộ Công Thương nói riêng nâng cao chất lượng giáo dục và tối ưu thời gian chi phí học tập cho người học. Khi đó, cơ sở của việc liên kết đào tạo thành công sẽ phát huy thế mạnh của các trường, sử dụng thế mạnh đó làm yếu tố triển khai liên kết, từ đó sẽ tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao” - PGS, TS. Nguyễn Hữu Quang khẳng định.

Liên kết đào tạo   chìa khóa để phát triển nhân lực lĩnh vực Công Thương
Đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao quyết định, Kỷ niệm chương và tặng hoa cho các thành viên trong Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương

Trong khi đó, chia sẻ về cơ cấu và trình độ đào tạo lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân để đồng bộ với thực trạng phát triển của từng cơ sở giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương