Lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng: Thách thức lớn của chủ sở hữu Kem Tràng Tiền

12/09/2024 - 19:01
(Bankviet.com) Công ty CP One Capital Hospitality (OCH), đơn vị sở hữu thương hiệu Kem Tràng Tiền, vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024, ghi nhận lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao và hiệu quả hoạt động khách sạn chưa phục hồi.

Công ty CP One Capital Hospitality (HNX: OCH) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, ghi nhận doanh thu thuần đạt 269,1 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 83 tỷ đồng sau khi khấu trừ giá vốn.

Lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng: Thách thức lớn của chủ sở hữu Kem Tràng Tiền
Công ty CP One Capital Hospitality hiện là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, quản lý và kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng và thực phẩm.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của OCH giảm mạnh 69,4%, chỉ còn 12,9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng gấp 5,5 lần, lên tới 53,1 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lần lượt đạt 46 tỷ đồng và 52,4 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với kỳ trước.

Kết quả kinh doanh cho thấy OCH lỗ sau thuế 70,1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng lỗ thêm 2,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Đáng chú ý, OCH từng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 867 tỷ đồng vào năm 2014 sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OCH và Ocean Group, đồng thời là nguyên Chủ tịch Ocean Bank, vướng vào vòng lao lý. Đây là mức lỗ lớn nhất trong lịch sử OCH kể từ khi niêm yết. Các khoản lỗ tiếp theo vào năm 2016, 2017, 2021 và khoản lỗ bán niên 2024 đã dẫn đến việc OCH hiện đang ghi nhận lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của OCH đạt 4.047,7 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 506,2 tỷ đồng. Công ty hiện đang nắm giữ 4,1 tỷ đồng tiền mặt và 109,2 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn của OCH đã tăng 35% so với đầu năm, đạt 127,6 tỷ đồng, trong đó dự phòng phải thu khó đòi đã lên tới 173,7 tỷ đồng. Một trong những khoản đáng chú ý là OCH có khoản phải thu từ việc ứng tiền cho các cá nhân tại CTCP Viptour - Togi với giá trị 46,24 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng toàn bộ số tiền này. Ngoài ra, công ty còn khoản phải thu từ bà Nguyễn Thị Dung với giá trị 53,2 tỷ đồng, cũng đã trích lập dự phòng toàn bộ.

Giá trị hàng tồn kho của OCH vào thời điểm cuối quý II/2024 đạt 337,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án Starcity Airport với giá trị 218,3 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 102,3 tỷ đồng, và dự án Nhà máy Tân Phú Trung với giá trị 74,8 tỷ đồng. OCH cho biết đã thông qua quyết định dừng đầu tư và xây dựng tại dự án Nhà máy Tân Phú Trung và đang trong quá trình xây dựng phương án chuyển nhượng dự án này.

Về nợ vay tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2024, OCH có tổng nợ vay đạt 1.687,5 tỷ đồng, trong đó khoản nợ lớn nhất là từ Ngân hàng Vietinbank với dư nợ 1.500 tỷ đồng. Khoản vay này là của Công ty CP Bánh Givral để mua lại phần vốn của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng, với thời hạn vay đến ngày 16/12/2030 và lãi suất năm 2023 là 7%/năm. Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến Công ty Bình Hưng tại Công ty CP IDS Equity Holdings, các hợp đồng tiền gửi của OCH, và tài sản gắn liền với thửa đất tại số 72 – 74 đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang.

Công ty CP One Capital Hospitality hiện là công ty con của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC), hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư, quản lý và kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng và thực phẩm. OCH sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, bao gồm Kem Tràng Tiền, Bánh Givral, và chuỗi resort đẳng cấp như Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, và Starcity Nha Trang.

Tín hiệu tái cấu trúc qua M&A

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo OCH cho biết, mảng kinh doanh thực phẩm vẫn là trụ cột chính khi gần như toàn bộ lợi nhuận đều đến từ lĩnh vực này. Trong khi đó, mảng khách sạn vẫn chưa hiệu quả do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn. Lãnh đạo OCH cũng chia sẻ rằng với các thương hiệu và sản phẩm hiện có, công ty có thể đạt doanh thu ổn định khoảng trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất từ 180 – 200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng đột biến là điều khó khăn. Do đó, OCH sẽ tập trung vào việc phát triển thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Theo đó, OCH đã thông qua việc thoái vốn toàn bộ tại một số công ty, bao gồm Công ty CP Tân Việt, Công ty CP Viptour Togi (chủ đầu tư dự án Starcity Westlake), Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang (chủ đầu tư dự án Khách sạn StarCity Nha Trang) và dự án Starcity Airport. Đối tác nhận chuyển nhượng dự kiến là Ocean Group – công ty mẹ của OCH.

Về dự án Starcity Airport, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 của OCH đã đề cập đến khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trị giá 218,3 tỷ đồng của dự án này. Đây là chi phí phát sinh từ quyền sử dụng đất và chi phí xây dựng, đã được thế chấp tại ngân hàng để bảo đảm cho khoản vay của đối tác hợp tác kinh doanh là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long. Toàn bộ tài sản này đã bị kê biên để thi hành án thu hồi nợ, dẫn đến OCH trích lập dự phòng 102,3 tỷ đồng cho khoản tổn thất này.

OCH cũng đã giải trình về các tranh chấp liên quan đến khoản nợ của Pegasus Thăng Long, đồng thời cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

WinCommerce sở hữu mô hình bán lẻ tương tự “gã khổng lồ” trăm tỷ USD của Ấn Độ

Reliance Retail, là tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Ấn Độ, đứng thứ 53 trong các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới ...

Báo cáo soát xét Vietnam Airlines: Vốn chủ sở hữu âm hơn 11.000 tỷ, dấu hỏi lớn về khả năng ở lại sàn HOSE

Vietnam Airlines vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024 với lợi nhuận sau thuế giảm 74 tỷ đồng, ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán