Lời giải cho bài toán cuối vòng đời pin xe điện: Có thể tạo ra 5.000 việc làm, VinFast đã tiên phong

26/07/2025 - 03:06
(Bankviet.com) Đề xuất tái chế pin xe điện giúp xử lý pin thải, thu hồi 95% kim loại quý và mở cơ hội đầu tư vào công nghiệp xanh với chính sách ưu đãi đi kèm.
Chuyển động

Lời giải cho bài toán cuối vòng đời pin xe điện: Có thể tạo ra 5.000 việc làm, VinFast đã tiên phong

Thu Hà 25/07/2025 18:18

Đề xuất tái chế pin xe điện giúp xử lý pin thải, thu hồi 95% kim loại quý và mở cơ hội đầu tư vào công nghiệp xanh với chính sách ưu đãi đi kèm.

Mục tiêu tái chế 3.000 tấn pin mỗi năm, thu hồi đến 95% kim loại quý

Tại buổi họp báo định kỳ ngày 24/7, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đã công bố đề xuất thành lập các trung tâm tái chế pin xe điện, nhằm ứng phó với lượng pin thải ngày càng gia tăng trong lộ trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện – đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hai bánh. Kế hoạch không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn hướng đến việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp xanh bền vững.

Xe điện
Cuối năm 2022, VinFast từng công bố hợp tác chiến lược với Li-Cycle Holdings – công ty tái chế pin lithium hàng đầu Bắc Mỹ nhằm phát triển năng lực tái chế cho hệ sinh thái xe điện

Tại sự kiện, ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, trực thuộc Viện – đã chia sẻ cụ thể về định hướng và giải pháp cho bài toán xử lý pin sau sử dụng. Theo ông, một phần quan trọng trong đề án chuyển đổi 400.000 tài xế xe công nghệ và giao hàng sang sử dụng xe điện là thiết lập hệ thống tái chế pin đạt chuẩn quốc tế.

“Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng trung tâm có công suất 3.000 tấn mỗi năm, với khả năng thu hồi từ 90 đến 95% các kim loại quý như lithium, coban, mangan từ pin đã qua sử dụng,” ông Hải nhấn mạnh.

Không chỉ dừng lại ở xử lý chất thải, việc thu hồi tài nguyên trong pin còn mở ra tiềm năng kinh tế đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu pin tăng nhanh cùng với làn sóng chuyển dịch sang phương tiện điện hóa.

Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và áp dụng cơ chế kinh tế tuần hoàn

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế, ông Hải cho biết Viện đã đề xuất một loạt cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước. Các nhà máy đạt tiêu chuẩn có thể được vay vốn ưu đãi, sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường để tài trợ chi phí đầu tư.

Về pháp lý, quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 – có hiệu lực từ đầu năm 2024 – đã đặt ra nghĩa vụ tái chế cho các nhà sản xuất và cung ứng pin. Theo đó, những doanh nghiệp sản xuất pin sẽ phải tự tổ chức thu hồi và tái chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp không sản xuất nhưng sử dụng pin sẽ phải đóng khoản phí môi trường, khoản này sẽ được dùng để hỗ trợ các nhà máy tái chế.

“Cơ chế bù trừ chi phí sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Với doanh nghiệp đạt hiệu suất thu hồi trên 95%, có thể được miễn hoặc giảm 50% phí tái chế,” ông Hải giải thích.

Kỳ vọng trung tâm đạt chuẩn châu Âu, tạo 5.000 việc làm xanh

Theo nội dung dự thảo Đề án “Chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM”, các trung tâm tái chế pin sẽ hoạt động theo mô hình "Battery-as-a-Service", đồng thời kết hợp tái sử dụng và tái chế để tạo vòng đời thứ hai cho pin.

Mô hình kinh tế tuần hoàn được đề xuất trong dự án này cũng rất đáng chú ý: kim loại thu hồi từ các xe xăng cũ có thể được dùng để chế tạo khung, mâm xe điện trong nước, giảm thiểu rác thải đô thị và gia tăng giá trị sử dụng tài nguyên nội địa.

Về lâu dài, mục tiêu của đề án là hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, tiêu dùng đến tái chế, qua đó nâng cao tính bền vững và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp xe điện Việt Nam. Dự án này cũng kỳ vọng tạo ra khoảng 5.000 việc làm xanh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và tạo sinh kế bền vững cho người lao động.

Công nghệ tái chế đang sẵn sàng, VinFast đã bắt đầu

Ông Lê Thanh Hải cũng khẳng định công nghệ tái chế pin hiện nay đã phát triển đáng kể. “Khả năng thu hồi 90–95% vật liệu trong pin xe điện là hoàn toàn khả thi với công nghệ hiện có,” ông nói. Bên cạnh đó, việc tận dụng pin đã qua sử dụng để tạo ra "vòng đời thứ hai" cũng là một hướng đi đầy tiềm năng.

Theo ông, pin điện sau khi không còn đáp ứng yêu cầu về hiệu suất trong xe có thể được tái sử dụng làm hệ thống lưu trữ năng lượng cho nhà máy điện mặt trời, hoặc tích điện cho các cơ sở hạ tầng điện ở vùng sâu vùng xa. “Thậm chí, pin cũ còn có thể được tái chế để sản xuất tấm pin thu năng lượng mặt trời – một hướng đi đang được nghiên cứu và áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển,” ông Hải chia sẻ thêm.

Đề án của TP.HCM không đi một mình. Trong lĩnh vực tái chế pin, một số doanh nghiệp nội địa đã sớm đi trước. Cụ thể, cuối năm 2022, VinFast từng công bố hợp tác chiến lược với Li-Cycle Holdings – công ty tái chế pin lithium hàng đầu Bắc Mỹ nhằm phát triển năng lực tái chế cho hệ sinh thái xe điện.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự chuyển động trong ngành công nghiệp mới nổi này, nơi cả khu vực công và tư đều đang chung tay hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, không chỉ sạch hơn mà còn hiệu quả hơn.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán